Tay chân miệng đặc trưng bởi những nốt phát ban mụn nước ngoài da và trong khoang miệng của bé. Trong tình trạng cơ thể bé bị tấn công bởi virus nhiều bố mẹ còn băn khoăn với câu hỏi: Trẻ bị tay chân miệng có tắm được không? Cùng giải đáp thắc mắc đó qua bài viết này và tìm hiểu cách chăm sóc bé khỏi nhanh – an toàn nhất.
Mục lục
I. Bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do 2 chủng virus coxsackie A16 và enterovirus 71 gây ra. Sau khi nhiễm bệnh cơ thể có khả năng tạo nên các kháng thể chống lại chủng virus gây bệnh nhưng người bệnh vẫn có thể tái nhiễm do mắc chủng virus khác. Các bọng nước thường xuất hiện ở tay, chân, miệng nên được gọi là bệnh tay chân miệng.
Ở Việt Nam, trẻ có thể mắc tay chân miệng quanh năm. Ở miền nam, bệnh thường hay gặp nhất vào các tháng từ tháng 3 – 5, tháng 9 – 12. Bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, thường từ 1-10 tuổi, đặc biệt là ở những trẻ dưới 3 tuổi.
II. Triệu chứng điển hình của bệnh chân tay miệng (mức độ thông thường)
Người lành mang virus tay – chân – miệng có thể không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng. Song trong các dịch tiết của người lành mang bệnh như nước bọt, phân,…vẫn có virus gây bệnh và vẫn có thể lây cho người khác. Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các triệu chứng điển hình sau:
Giai đoạn ủ bệnh: Sau khi nhiễm virus, bệnh thường ủ từ 3 – 7 ngày trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Giai đoạn khởi phát: Sốt là triệu chứng khởi phát đầu tiên: trẻ mệt mỏi, đau bụng, biếng ăn, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát:
- Xuất hiện các vết ban đỏ ở bàn tay, bàn chân, các vết ban đỏ này có thể hình thành bọng nước. Niêm mạc miệng (nướu, lưỡi, niêm mạc trong má) nổi nhiều bọng nước. Ban và mọng nước chủ yếu xuất hiện ở tay, chân, miệng, đôi khi ở mông. Bệnh thường không xuất hiện ở gan bàn tay, gan bàn chân và không ngứa trừ lúc phát ban.
- Bọng nước: Kích thước từ 2-10mm, màu xám hình bầu dục. Bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân có thể lồi lên, sờ da cảm thấy cộm, ấn thường không thấy đau. Bọng ở mông và vùng gối thường nổi trên nền da hồng ban.
- Loét miệng: Thường khó thấy, kích thước 2-3mm, thường vỡ rất nhanh sau khi xuất hiện thành các vết loét khiến trẻ đau, quấy khóc, khó ăn.
- Sốt nhẹ.
- Nôn.
Nếu trẻ sốt cao, nôn nhiều sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Giai đoạn lui bệnh:
Thường từ 3-5 ngày sau giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ lành bệnh và hồi phục hoàn toàn nếu như không gặp phải biến chứng.
Mức độ nghiêm trọng của bệnh tùy thuộc vào loại virus gây bệnh. Tay chân miệng do virus coxsackie A16 thường nhẹ, khỏi sau 7-10 ngày. Còn nếu bệnh do enterovirus 71 thì có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ màng não, viêm cơ tim cấp thậm chí có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
III. Trẻ bị chân tay miệng có tắm được không?
Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng liệu trẻ bị tay chân miệng có được tắm không? Câu trả lời là có. Có nhiều quan niệm cho rằng không được tắm cho trẻ bị tay chân miệng. Lý do là quan niệm cho rằng việc tắm sẽ làm vỡ các nốt bọng nước, mụn phỏng khiến bệnh nặng hơn, lây lan ra toàn thân. Song trên thực tế quan điểm này chưa đúng.
Việc tránh không để các nốt bọng nước vỡ ra là đúng. Điều này giúp cho bệnh mau lành, ngăn không cho dịch mủ từ bọng nước lây lan sang các vùng da lành xung quanh, đề phòng nhiễm trùng bội nhiễm.
Tuy nhiên, điều quan trọng trong chữa trị bệnh tay chân miệng là phải giữ cho cơ thể luôn luôn sạch sẽ, đặc biệt là các vùng da bệnh. Việc không tắm khiến cho cơ thể không sạch sẽ, mồ hôi và các chất bài tiết không được làm sạch. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Có thể khẳng định rằng quan niệm không tắm cho trẻ là hoàn toàn sai, không những không nhanh khỏi bệnh mà còn khiến bệnh trầm trọng hơn.
Do đó cha mẹ nên tắm cho trẻ thường xuyên, giữ cơ thể bệnh nhi luôn sạch sẽ, khô thoáng nhằm loại bỏ môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể để giúp trẻ chống lại virus gây bệnh tay chân miệng.
Lưu ý khi tắm cho trẻ bị bệnh tay chân miệng:
- Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và sử dụng xà phòng diệt khuẩn.
- Lau khô người cho trẻ sau khi tắm xong
- Trẻ nên được tắm và thay quần áo hàng ngày
- Không tắm quá lâu, hạn chế tối đa việc chà sát mạnh gây vỡ bọng nước hay tác động tiêu cực đến tổn thương da.
IV. 10 điều cần lưu ý để trẻ nhanh khỏi bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng tương đối dễ chữa trị tuy nhiên nếu điều trị không đúng cách sẽ gây những biến chứng nguy hiểm. Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cần lưu ý một số điểm sau:
1. Trẻ bị tay chân miệng cần được cách ly trong phòng riêng, hạn chế tối đa tiếp xúc và tránh lây nhiễm cho mọi người. Khi bắt buộc phải tiếp xúc với người khác, người bệnh phải đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện. Phòng ở cho trẻ bệnh phải khô thoáng, sạch sẽ, sàn nhà, vật dụng trong phòng nên được lau chùi thường xuyên bằng các dung dịch khử khuẩn.
2. Người bệnh phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt ở các vùng da bị bọng nước, tổn thương. Cha mẹ nên sử dụng các chất kháng khuẩn để bôi vào các nốt bọng nước: Dizigone, xanh methylen, cồn, betadine,…, cho trẻ súc miệng thường xuyên với dung dịch kháng khuẩn. Vệ sinh miệng nên được tiến hành trước khi ăn 30 phút và sau khi trẻ ăn xong. Khi phát ban, trẻ thường ngứa ngáy khó chịu, nên sử dụng kem bôi chống ngứa, làm dịu da như Calamine, kem Dizigone nano bạc,…
3. Phải dặn dò bệnh nhi tuyệt đối không cạy, chọc bọng nước vỡ ra, không gãi tránh gây nhiễm trùng, tổn thương da.
4. Phụ huynh phải theo dõi trẻ, nếu trẻ bị đau, sốt cao phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt nhanh chóng bằng paracetamol. Đồng thời nên dùng khăn bông lau người cho trẻ bằng nước ấm để nhanh hạ sốt. Nếu có nhiễm khuẩn, cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
5. Xây dựng chế độ ăn, uống đủ chất để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Nên cho trẻ ăn các thức ăn mềm, dễ ăn. Việc cung cấp đủ dinh dưỡng giúp bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ lên tiếp tục cho trẻ bú sữa. Chú ý mẹ không nên cho trẻ bú trực tiếp mà nên vắt sữa vào bình cho trẻ bú bình.
6. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút tốt. Trẻ bệnh nên được tắm rửa, thay quần áo hàng ngày. Chăn màn, quần áo, vật dụng cá nhân của bệnh nhi phải được thay và khử khuẩn thường xuyên bằng cách đun sôi và ngâm trong dung dịch cloramin B.
7. Người chăm sóc trẻ cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân. Khi chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ nên sử dụng quần áo bảo hộ như khẩu trang, găng tay y tế. Sau khi cởi bỏ đồ bảo hộ nên rửa tay lại bằng các dung dịch sát khuẩn.
8. Khi trẻ chưa khỏi bệnh, không cho trẻ đến những nơi tập trung đông người như trường học, khu vui chơi giải trí.
9. Không ôm hôn trẻ, không tiếp xúc trực tiếp với trẻ, dạy trẻ những thao tác vệ sinh cá nhân dễ thực hiện như tự súc miệng, rửa tay chân sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch kháng khuẩn.
10. Khi điều trị tại nhà gia đình cần quan sát, theo dõi chặt chẽ trẻ bệnh nếu như có các dấu hiệu sốt cao, khó thở, giật mình, run tay chân,loạng choạng, co giật, hôn mê, da tím tái phải đưa trẻ tới bệnh viện ngay.
Qua bài viết, có thể khẳng định rằng trẻ bị tay chân miệng không những có thể tắm được mà việc tắm sạch sẽ đúng cách sẽ giúp trẻ mau khỏi bệnh hơn. Nếu còn gì thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 19009482 để được tư vấn và giải đáp.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp