Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan và có thể dẫn tới nhiều biến chứng. Người bị thủy đậu uống thuốc gì nhanh khỏi? Bài viết sau sẽ giải đáp cho bạn các nguyên tắc để điều trị cho người bệnh, giới thiệu 4 nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh nhanh khỏi, hạn chế được biến chứng.
Mục lục
I. Nguyên tắc điều trị thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh do virus Varicella gây nên. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, nguyên tắc điều trị thủy đậu là giải quyết các triệu chứng bệnh và ngăn ngừa bội nhiễm
- Với người bệnh khỏe mạnh, có thể không cần điều trị y tế. Trong một vài trường hợp bệnh nhân sốt hoặc ngứa nhiều, có thể dùng thuốc hạ sốt, thuốc kháng histamin để giảm ngứa theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần lưu ý, tuy bệnh không cần điều trị y tế nhưng việc chăm sóc tổn các tổn thương da là việc rất quan trọng để bệnh khỏi nhanh, hạn chế sẹo và tránh bội nhiễm.
- Với các bệnh nhân nguy cơ biến chứng thủy đậu, có thể dùng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus (acyclovir, valacyclovir…) để làm giảm mức độ của bệnh. Nếu bệnh nhân có biến chứng viêm phổi, cần sử dụng các biện pháp trợ thở.
II. 4 thuốc chữa thủy đậu nhanh khỏi
1. Thuốc hạ sốt
Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt ngay từ những ngày đầu phát bệnh. Nếu không hạ sốt, người bệnh sẽ liên tục sốt cao, có thể dẫn tới mất nước, kiệt sức, thậm chí là co giật. Do đó, bệnh nhân thủy đậu cần được sử dụng thuốc hạ sốt.
1.1. Paracetamol
Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol. Nó được cho là loại thuốc an toàn nhất để sử dụng với mục đích hạ sốt cho bệnh nhân thủy đậu.
- Liều dùng: có thể sử dụng Paracetamol đường uống, liều 10 – 15 mg/kg,ngày 4-6 lần.
- Cách dùng: paracetamol thường được sử dụng theo đường uống. Với trẻ nhỏ, có thể sử dụng viên đạn đặt hậu môn.
- Lưu ý: theo các chuyên gia khuyến cáo, không nên uống Paracetamol quá năm lần, không quá 75 mg/kg trong vòng 24 giờ. Có thể sử dụng một số biện pháp khác để giảm nhiệt cho bệnh nhân như bổ sung các đồ ăn thanh nhiệt, lau người bằng nước ấm…
1.2. Các thuốc nhóm NSAIDS
Người bệnh có thể sử dụng các thuốc NSAIDS (ibuprofen, diclofenac…) để hạ sốt. Tuy nhiên các thuốc NSAIDS lại bị nghi ngờ có thể làm giảm miễn dịch, khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn ở các bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn.
Hơn nữa cần lưu ý tuyệt đối không được sử dụng aspirin cho bệnh nhân thủy đậu. Trên nền bệnh, thuốc này có thể khiến người bệnh đối mặt với hội chứng Reye.
2. Thuốc kháng Histamin giảm ngứa
Thuốc kháng histamin cho tác dụng giảm ngứa theo cơ chế làm giảm giải phóng histamin nội sinh. Với bệnh nhân thủy đậu, người bệnh có thể cảm thấy ngứa nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt, làm việc, có thể là nguyên để lại sẹo và các nhiễm trùng thứ phát.
2.1. Diphenhydramine
Diphenhydramine là thuốc an thần và giảm ngứa hiệu quả, thường được chỉ định cho những bệnh nhân thủy đậu ngứa nhiều.
- Cách dùng: Diphenhydramine có thể sử dụng dưới dạng bôi ngoài da hoặc theo đường uống.
- Liều dùng: với diphenhydramine bôi ngoài da có thể sử dụng trực tiếp. Với dạng uống, bệnh nhân có thể sử dụng liều 25-50 mg, ngày 4-6 lần, không vượt quá 300 mg/ngày.
- Lưu ý: Khi sử dụng diphenhydramine , bệnh nhân có thể buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, khô miệng, khó tiêu… Do đó, người bệnh nên ngừng sử dụng thuốc nếu xuất hiện các tác dụng phụ.
2.2. Hydroxyzine
Nếu bệnh nhân thủy đậu dị ứng hoặc sử dụng diphenhydramine không hiệu quả thì hydroxyzine là một lựa chọn thay thế thường được các bác sĩ sử dụng.
- Cách dùng: Hydroxyzine được sử dụng theo đường uống hoặc tiêm bắp.
- Liều dùng: bệnh nhân có thể sử dụng hydroxyzine đường uống với liều 25mg, một ngày dùng 3 – 4 lần. Trẻ em có thể dùng liều 0,6 mg/kg cân nặng, ngày 4 lần. Với đường tiêm có thể dùng liều 0,5 mg/kg, ngày 4 lần.
- Lưu ý: Chỉ được sử dụng thuốc nếu có chỉ định của bác sĩ. Thuốc có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng không mong muốn như phát ban, khó thở, sưng mặt, miệng hoặc họng. Ngừng uống hoặc tiêm nếu bệnh nhân có những biểu hiện trên.
3. Globulin miễn dịch
Tuy không phổ biến trong điều trị thủy đậu, nhưng globulin miễn dịch là nhóm thuốc hiệu quả để cung cấp miễn dịch thụ động cho bệnh nhân. Để có hiệu quả, nên sử dụng globulin miễn dịch trong vòng 10 ngày, tốt nhất là trong vòng 96 giờ kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Globulin miễn dịch dành cho người mắc thủy đậu chứa các kháng thể varicella zoster. Nó giúp cơ thể có miễn dịch thụ động, đặc biệt là ở những đối tượng có nguy cơ cao bội nhiễm thủy đậu (người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, trẻ sinh non…)
- Cách dùng: sử dụng tiêm bắp, thường tiêm vào cơ delta. Với trẻ sơ sinh, có thể tiêm vào mặt trước của đùi.
- Liều dùng: tiêm bắp với liều 12,5 UI/kg, không vượt quá 625 UI/ liều.
- Lưu ý: bệnh nhân nên được tiêm globulin miễn dịch sớm, trong vòng 4 ngày để có hiệu quả tốt nhất.
4. Thuốc kháng virus
Với những người khỏe mạnh, thì thủy đậu là một bệnh lành tính, có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy vậy, với một số đối tượng, thủy đậu có thể dẫn tới các biến chứng nặng như nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, gây sảy thai hoặc dị tật thai nhi nếu sản phụ mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu. Những đối tượng có nguy cơ cao (trẻ sinh non, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch…) thường được chỉ định thêm thuốc kháng virus.
4.1. Acyclovir
Acyclovir là thuốc kháng virus, hoạt động dựa trên sự ức chế ADN polymerase của virus, khiến chúng không thể nhân lên. Thuốc dùng hiệu quả nhất trong 24 giờ kể từ khi phát ban. Acyclovir ít hiệu quả với bệnh nhân bị thủy đậu không biến chứng, không có bệnh lý nền. Tuy nhiên acyclovir rất có ý nghĩa với các bệnh nhân biến chứng viêm phổi, viêm não hoặc suy giảm miễn dịch.
- Cách dùng, liều dùng: có thể dùng đường uống với người suy giảm miễn dịch nguy cơ biến chứng thấp, liều 800 mg một lần, 5 lần một ngày. Trẻ em có thể sử dụng ngày 4 lần, liều 20 mg/ kg. Với bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng có biến chứng, dùng liều 10-12,5 mg/ kg tiêm tĩnh mạch, ngày 3 lần.
- Lưu ý: hạn chế chỉ định thuốc cho bệnh nhân không biến chứng, có thể tự khỏi bệnh. Với những bệnh nhân nguy cơ cao, nên sử dụng thuốc sớm để có hiệu quả cao.
4.2. Các thuốc kháng virus khác
Một số thuốc kháng virus khác như famciclovir, foscarnet….
Với famciclovir, có thể dùng đường uống liều 500mg, ngày 3 lần. Tuy nhiên cần lưu ý famciclovir không được chỉ định cho trẻ nhỏ.
Foscarnet thường được sử dụng truyền tĩnh mạch liều 40 mg/kg, ngày 3 lần. Đây là thuốc kháng virus có khả năng thay thế acyclovir nếu bệnh nhân mẫn cảm với acyclovir hoặc sử dụng acyclovir không cho hiệu quả.
>>> Xem bài viết: Điều trị thủy đậu theo hướng dẫn của bộ y tế
Thủy đậu là một bệnh lành tính. Tuy vậy, cần nắm rõ những nguyên tắc điều trị và một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh. Đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ biến chứng bội nhiễm cao, cần lưu ý chỉ được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng để tránh những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Để được tư vấn và giải đáp thắc mắc thêm về thủy đậu, vui lòng liên hệ HOTLINE 19009482.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp