Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan trong cộng đồng, đặc biệt ở bệnh viện, trường học… Do đó, thủy đậu ở trẻ em rất phổ biến. Bài viết sau sẽ trình bày nguyên nhân gây thủy đậu ở trẻ, con đường lây lan, dự phòng bệnh và nguyên tắc chăm sóc trẻ khi mắc bệnh.
Mục lục
I. Nguyên nhân thủy đậu ở trẻ
Nguyên nhân gây thủy đậu ở trẻ là virus Varicella Zoster. Virus xâm nhập vào cơ thể trẻ chưa có miễn dịch với bệnh sẽ gây nhiễm trùng tại chỗ. Sau đó, virus qua ổ viêm vào máu và gây bệnh với các triệu chứng điển hình như: phát ban, hình thành mụn nước rải rác cơ thể, mụn nước bị bội nhiễm có mủ…
Thuỷ đậu ở trẻ em thường gặp hơn ở người lớn bởi vì:
- Đa phần trẻ chưa có miễn dịch với thuỷ đậu. Ngược lại, hầu hết người lớn có miễn dịch với bệnh bởi đã mắc thuỷ đậu trước đó hay đã tiêm vacxin phòng virus Varicella Zoster.
- Trẻ dễ tiếp xúc với virus thuỷ đậu ở trường học khi tiếp xúc trực tiếp hay đồ dùng của những trẻ bị thuỷ đậu khác.
- Trẻ em có hệ miễn dịch kém hơn người lớn, dễ bị mầm bệnh virus tấn công.
II. Đường lây lan thủy đậu và dự phòng thủy đậu ở trẻ
1. Đường lây lan thủy đậu
Thủy đậu có thể lây lan qua 2 đường chủ yếu sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, hít phải dịch bắn từ đường hô hấp qua ho, nói chuyện hoặc dịch của mụn nước khi vỡ. Cụ thể: nói chuyện với người đang mắc thủy đậu, sờ vào dịch từ mụn nước vỡ.
- Tiếp xúc gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị dính dịch của mụn nước hay dịch từ đường hô hấp. Cụ thể: sử dụng chung đồ dùng cá nhân, trẻ chơi chung đồ chơi với người bệnh.
2. Dự phòng thủy đậu ở trẻ
2.1. Phòng bệnh không đặc hiệu
- Tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu, cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn.
- Tiêm globulin miễn dịch: mục đích phòng thủy đậu ở trẻ bị suy giảm miễn dịch khi tiếp xúc với người mắc thủy đậu. Liều tiêm: tiêm bắp 0,3ml/ kg, liều tiêm dao động trong khoảng 2-10ml.
2.2. Phòng bệnh đặc hiệu: tiêm vacxin thủy đậu.
- Mục đích: kích thích cơ thể tạo kháng thể chống lại virus.
- Lịch tiêm: 2 mũi.
- Mũi 1: tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
- Mũi 2: Trẻ 1-13 tuổi nên tiêm cách mũi đầu tối thiểu 3 tháng. Trẻ trên 13 tuổi nên tiêm cách mũi đầu tối thiểu 1 tháng.
- Trẻ đã mắc thủy đậu thì không cần tiêm phòng vacxin vì sau khi mắc bệnh, cơ thể đã có miễn dịch với bệnh bền vững suốt đời.
>>> Xem bài viết: Vaccin thủy đậu cần tiêm mấy mũi để phòng bệnh hiệu quả nhất?
III. Nguyên tắc chăm sóc cơ bản cho trẻ bị thủy đậu
1. Chăm sóc tổn thương da
Bé cần được vệ sinh mụn nước, tổn thương ngoài da bằng dung dịch sát khuẩn để mụn nước khô se nhanh, không nhiễm trùng, mưng mủ. Tiêu chí lựa chọn dung dịch kháng khuẩn cho bé bị thủy đậu:
- Tác dụng kháng khuẩn nhanh, mạnh.
- An toàn, không gây xót da.
- Không màu, không mùi khó chịu.
- Có thể sử dụng với mụn nước mọc ở những vùng da nhạy cảm như niêm mạc miệng, vùng kín…
Một số dung dịch kháng khuẩn đáp ứng những tiêu chí trên như: dung dịch kháng khuẩn ion Dizigone…
Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Vệ sinh thân thể hằng ngày bằng nước ấm và khăn sạch. Không nên cho trẻ tắm nước lạnh hay ra gió lớn, tránh cảm cúm.
- Cắt móng tay cho trẻ, đeo găng tay tránh trẻ gãi vỡ mụn nước.
- Sử dụng quần áo chất liệu thoáng mát, mềm mại và thấm hút mồ hôi tốt cho trẻ để giảm chà xát làm vỡ mụn nước.
2. Dùng thuốc hạ sốt, giảm ngứa
Thuốc hạ sốt:
- Nếu trẻ sốt cao, có thể sử dụng paracetamol hay thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen (motrin, advil) để hạ sốt, giảm đau.
- Tuyệt đối không sử dụng aspirin hay chế phẩm chứa aspirin cho trẻ bị thủy đậu hay trẻ vừa hồi phục sau thủy đậu. Do dùng aspirin trong thủy đậu có nguy cơ gây hội chứng Reye (một bệnh chuyển hoá nặng gồm tổn thương não và gan có thể dẫn đến tử vong).
Thuốc giảm ngứa: sử dụng thuốc kháng histamin
- Một số thuốc kháng histamin thường được chỉ định: diphenhydramine (benadryl), loratadine (claritin) và cetirizine (zyrtec).
- Tác dụng không mong muốn thường gặp: gây khô miệng, buồn ngủ. Đối với trẻ em chỉ nên cho uống histamin dạng siro và uống đúng liều lượng, nếu không sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn như bị co giật, ảo giác.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc khi chưa xin ý kiến của bác sĩ.
3. Dùng thuốc kháng sinh, kháng virus
Thông thường, thủy đậu có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh và kháng virus. Chỉ khi xảy ra các biến chứng do nhiễm khuẩn, hệ miễn dịch quá yếu hay thủy đậu mọc quá nhiều, mới cho trẻ uống thuốc kháng sinh, kháng virus. Cụ thể nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus như sau:
3.1. Thuốc kháng sinh:
- Thuốc mỡ bôi ngoài da tránh bội nhiễm trên da: thuốc mỡ bactroban. Chỉ sử dụng thuốc mỡ khi mụn nước có mủ – biểu hiện của bội nhiễm do tụ cầu hay liên cầu trên da.
- Thuốc kháng sinh đường uống:
- Điều trị biến chứng viêm da có mủ do tụ cầu: sử dụng kháng sinh oxacillin (bristopen) hoặc vancomycin.
- Điều trị biến chứng viêm phổi thủy đậu: sử dụng kháng sinh cephalosprorin thế hệ 3 (ceftazidim) hoặc nhóm quinolon (levofloxacin).
Chú ý:
- Không sử dụng kháng sinh quinolon trẻ < 12 tuổi.
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc, chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ và chẩn đoán viêm da, viêm phổi.
3.2. Thuốc kháng virus acyclovir
- Acyclovir sẽ ức chế sự phát triển của virus, ngăn chặn sự lan rộng của bệnh thủy đậu trên cơ thể.
- Thuốc chỉ hiệu quả nếu được dùng sớm, trong thời gian 24 giờ khi bắt đầu phát ban thủy đậu.
- Acyclovir gây một số tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn và gây buồn ngủ.
- Acyclovir được chỉ định cho trẻ bị suy giảm miễn dịch do viêm gan B, HIV/AIDS, cấy ghép tạng… hay trường hợp thủy đậu mọc quá nhiều khắp cơ thể trẻ.
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ
>>> Xem bài viết: Thủy đậu uống thuốc gì để khỏi nhanh – ngừa sẹo?
Thực hiện đúng 3 nguyên tắc trên, trẻ sẽ khỏi bệnh sau 7-10 ngày điều trị. Trên đây là bài viết về thủy đậu ở trẻ gồm những nội dung: nguyên nhân gây bệnh, đường lây lan, dự phòng và nguyên tắc chăm sóc trẻ. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích với bạn đọc! Nếu cần tư vấn và giải đáp thắc mắc thêm về bệnh, vui lòng liên hệ HOTLINE 19009482.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp.