Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, rất dễ lây lan thành dịch bệnh. Vậy thủy đậu lây qua đường gì? Để trả lời câu hỏi đó, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu về phương thức, cơ chế lây truyền của thủy đậu an toàn tại nhà.
Mục lục
I. Bệnh thủy đậu là gì? Các giai đoạn của bệnh thủy đậu?
1. Bệnh thủy đậu là gì
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân do virus Varicella zoster. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua hô hấp, hoặc qua các dịch tiết của nốt mụn thủy đậu. Bệnh thường gặp ở trẻ em, với triệu chứng đặc trưng là sốt, phát ban dạng nốt phỏng (mụn nước), và thường diễn biến lành tính. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp thủy đậu biến chứng, gây ra những hậu quả cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh, đặc biệt ở phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch.
2. Các giai đoạn của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu tiến triển qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thời kỳ ủ bệnh
Ủ bệnh là thời kỳ đầu tiên của thủy đậu. Giai đoạn ủ bệnh kéo dài trong thời gian từ 2-3 tuần, thông thường là 14-16 ngày kể từ khi người bệnh tiếp xúc với nguồn lây. Tại thời kỳ này, bệnh nhân hầu như không có triệu chứng rõ ràng.
Trong khoảng thời gian này, virus xâm nhập từ vị trí tiếp xúc vào cơ thể rồi gây nhiễm trùng. Nếu đã được tiêm vacxin ngừa thủy đậu, hoặc đã từng mắc thủy đậu trước đây, cơ thể sẽ có kháng thể tiêu diệt mầm bệnh. Ngược lại, nếu cơ thể không có hoặc không đủ kháng thể, virus thủy đậu sẽ nhanh chóng nhân lên, và chuyển đến giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Thời kỳ khởi phát
Sau thời kỳ ủ bệnh, bệnh sẽ chuyển tới thời kỳ khởi phát. Giai đoạn này thường kéo dài từ 1-2 ngày. Đây là khoảng thời gian virus bắt đầu gây bệnh, cơ thể sẽ có các triệu chứng nhiễm trùng như:
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Sốt nhẹ.
- Phát ban nhẹ, một số người có các vết loét ở miệng.
Những biểu hiện này không điển hình, rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Do đó, nếu bạn từng tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu thì cần theo dõi các triệu chứng để có thể kịp thời xử lý.
Giai đoạn 3: Thời kỳ toàn phát
Sau khởi phát, bệnh sẽ chuyển tới thời kỳ toàn phát. Biểu hiện của giai đoạn này là các triệu chứng nặng của nhiễm trùng như sốt cao hơn, mệt mỏi, nôn ói, đau nhức cơ thể. Bên cạnh đó, cơ thể xuất hiện những dấu hiệu điển hình của bệnh thủy đậu: mụn nước mọc nhiều hơn, xuất hiện khắp cơ thể, đặc biệt là ở đầu, mặt, cánh tay, bắp chân. Mụn nước thủy đậu có đường kính từ 1-3mm, giống các nốt phỏng mà dân gian thường gọi là nốt rạ (trái rạ). Các mụn nước hình thành, to dần lên và gây ngứa. Một số có thể tự vỡ, một số mụn vỡ ra sau khi ma sát với quần áo và để lại sẹo. Do đó, người bệnh cần tránh làm trầy xước các nốt mụn để hạn chế sẹo, nhiễm trùng và ngăn chặn sự lây lan của virus.
Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 5-10 ngày. Trong thời gian này, các mụn thủy đậu sẽ dần mọc lan khắp toàn thân, có thể xuất hiện tại một số vị trí gây khó chịu cho người bệnh như mí mắt, niêm mạc miệng, bộ phận sinh dục…
Giai đoạn 4: Thời kỳ hồi phục
Giai đoạn phục hồi thường kéo dài 7-10 ngày. Các mụn nước sẽ đóng vảy, các vảy này dần cứng lại rồi tự bong ra. Tuy nhiên, lúc này cơ thể đang suy yếu, bạn vẫn cần lưu ý chăm sóc và vệ sinh cá nhân thường xuyên, tránh để các mụn thủy đậu bội nhiễm tụ cầu, liên cầu.
II. Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
1. Giai đoạn lây lan của bệnh
Virus thủy đậu có khả năng lây nhiễm từ khoảng 1-2 ngày trước khi phát ban cho đến lúc các nốt mụn đã đóng vảy. Giai đoạn virus thủy đậu lây lan mạnh nhất là thời kỳ toàn phát. Ở giai đoạn này, virus xâm nhập và được máu đưa đi khắp cơ thể, các nốt mụn cũng xuất hiện dày đặc và rất dễ vỡ, khả năng khuếch tán và lây truyền của virus do đó cũng tăng lên.
2. Đường lây bệnh
Virus thủy đậu chủ yếu lây truyền qua hai đường chính:
- Qua tiếp xúc trực tiếp: virus lan truyền qua các giọt bắn khi nói chuyện hoặc dịch tiết đường hô hấp. Ngoài ra virus thủy đậu còn có thể lây trực tiếp qua chất dịch khi mụn nước vỡ.
- Lây lan gián tiếp: bệnh có thể lây gián tiếp khi chúng ta dùng chung đồ vật với người bệnh.
Ban đầu, virus thủy đậu xâm nhập và nhân lên tại các vị trí tiếp xúc với mầm bệnh. Sau đó, varicella zoster nhân lên và gây nhiễm virus tiên phát. Virus sẽ tiếp tục nhân lên tại các tế bào liên võng nội mô, gây nhiễm virus thứ phát. Giống như các loại virus Herpes khác, varicella zoster có thể tồn tại và trú ngụ trong hạch cảm giác, khi tái hoạt có thể gây ra bệnh zona.
III. Khi nào thủy đậu ngừng lây?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh thủy đậu sẽ ngừng lây lan khi các nốt mụn đã khô, bong vảy và không xuất hiện thêm mụn nước mới. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan, vì tại giai đoạn này bệnh vẫn chưa hoàn toàn khỏi, hơn nữa các mụn nước đóng vảy, gây ngứa ngáy. Bệnh nhân nên vệ sinh cơ thể đúng cách, hạn chế chà gãi để không gây bội nhiễm thủy đậu, tránh tình trạng bệnh tái phát.
IV. Cách phòng ngừa và điều trị thủy đậu hiệu quả
1. Các biện pháp phòng bệnh thủy đậu
Cho đến thời điểm hiện nay, cách phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất vẫn là tiêm vacxin ngừa bệnh.
Theo Bộ Y Tế, vacxin thủy đậu được chỉ định tiêm như sau:
- Trẻ em từ 1-12 tuổi chưa từng mắc thủy đậu: tiêm 1 mũi.
- Người từ 13 tuổi trở lên chưa từng mắc bệnh: tiêm 2 mũi. Mũi sau cách mũi trước 4-8 tuần.
- Với phụ nữ dự định có thai: cần tiêm vacxin ngừa thủy đậu ít nhất trước 3-5 tháng. Nếu đã mắc thủy đậu trước đây, thì chỉ cần tiêm 1 mũi trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
Ngoài ra, để phòng bệnh, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với người mắc thủy đậu, không dùng chung đồ với người bệnh. Với bệnh nhân thủy đậu cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với đám đông để tránh lan truyền mầm bệnh.
2. Các biện pháp điều trị bệnh
Ở người có hệ miễn dịch bình thường, nguyên tắc chung là điều trị hỗ trợ (hạ sốt, chăm sóc các tổn thương trên da).
Điều trị kháng virus:
- Thuốc kháng virus (sử dụng acyclovir) thường được chỉ định với người suy giảm hệ miễn dịch, biến chứng viêm màng não. Với những đối tượng này, thường được chỉ định acyclovir tiêm tĩnh mạch liều 10-12,5 mg/kg, ngày 3 lần. Với người suy giảm miễn dịch nhẹ, có thể sử dụng acyclovir dạng uống.
Điều trị tại nhà:
- Hạ sốt: thường dùng paracetamol hoặc các thuốc nhóm NSAIDS. Tuy nhiên tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng aspirin để giảm sốt vì có thể gây hội chứng Reye.
- Nếu bệnh nhân ngứa nhiều: sử dụng thuốc kháng Histamin để giảm ngứa theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm và bôi thuốc chống ngứa tại chỗ giúp bệnh nhân dễ chịu, hạn chế chà gãi mụn nước.
- Dùng các dung dịch sát khuẩn hiệu lực mạnh, không gây kích ứng da để vệ sinh các mụn thủy đậu và vùng da bị tổn thương. Có thể pha loãng các dung dịch này để tắm. Những dung dịch sát khuẩn được khuyên dùng là: Dizigone, chlorhexidine…
- Với bệnh nhân biến chứng viêm phổi: điều trị hỗ trợ hô hấp tích cực.
- Dùng kháng sinh oxacillin, vancomycin… theo đúng chỉ định của bác sĩ nếu thủy đậu bội nhiễm.
>>> Xem bài viết: Hướng dẫn điều trị thủy đậu của Bộ Y tế.
Virus thủy đậu có thể dễ dàng lây lan qua đường hô hấp, dịch tiết của mụn, hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng. Thời kỳ toàn phát là giai đoạn bệnh có khả năng lây lan mạnh nhất. Do đó, người bệnh và người nhà bệnh nhân nên tuân thủ nguyên tắc điều trị giúp bệnh mau khỏi, đồng thời có các biện pháp phòng ngừa để tránh virus thủy đậu lây lan. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác hãy liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 19009482 để được các Dược sĩ Đại học tư vấn và giúp đỡ.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp