Silkron là thuốc bôi da quen thuộc được sử dụng nhiều trong các tổn thương da liễu như viêm da, nấm da. Do thiết kế bao bì đặc trưng bởi đường kẻ chia 7 ô màu, Silkron thường được người dùng gọi bằng cái tên dễ nhớ là ”thuốc 7 màu”. Thuốc 7 màu Silkron có nhiều công dụng, nhưng hiệu quả chỉ tối ưu khi người dùng nắm rõ đặc tính sản phẩm và cách dùng chính xác nhất. Vì vậy, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về loại thuốc bôi da thông dụng này.
Mục lục
I. Giới thiệu chung
1. Tên thuốc – nhà sản xuất
Silkron có tên gọi chính thức là Dongkwang Silkron, xuất xứ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên mọi người thường biết đến với tên gọi quen thuộc thuốc 7 màu Silkron.
2. Dạng bào chế
Thuốc 7 màu Silkron được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da.
3. Giá tham khảo
Hiện trên thị trường, giá của tuýp kem bôi da này dao động khoảng 25.000 – 27.000VNĐ/tuýp 10g.
4. Cách bảo quản
- Thuốc được bảo quản tại nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp.
- Không làm lành thuốc, để xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.
- Không xả thuốc xuống nhà vệ sinh hoặc đổ chúng vào hệ thống thoát nước. Vì thuốc loại bỏ theo cách này sẽ gây ô nhiễm môi trường nước.
5. Hạn sử dụng
Thuốc có hạn sử dụng là 36 tháng kể từ ngày sản xuất.
II. Thành phần – công dụng
Thuốc 7 màu Silkron chứa các hoạt chất chính gồm có: betamethasone dipropionate, clotrimazole, gentamicin sulfate
1. Betamethasone dipropionate
Betamethasone là một corticosteroid tổng hợp, có tác dụng glucocorticoid rất mạnh. Hoạt chất có tác dụng kháng viêm, chống thấp khớp và chống dị ứng, liều cao có tác dụng ức chế miễn dịch.
2. Clotrimazole
Clotrimazole liên kết với các phospholipid trong màng tế bào nấm, làm thay đổi tính thấm của màng, gây mất các chất thiết yếu nội bào dẫn đến tiêu diệt tế bào nấm. Đây là hoạt chất kháng nấm phổ rộng được dùng để điều trị các trường hợp bệnh ngoài da do nhiễm các loài nấm gây bệnh khác nhau, có tác dụng trên Trichomonas, Staphylococcus và Bacteroides.
3. Gentamicin sulphate
Là kháng sinh tự nhiên thuộc nhóm aminosid có tác dụng diệt khuẩn thông qua việc ức chế quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Gentamicin tác dụng tốt trên vi khuẩn hiếu khí gram âm, tụ cầu khuẩn kể cả các chủng tạo ra penicillinase và kháng methicillin.
Như vậy thuốc 7 màu silkron có tác dụng:
- Chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch.
- Tiêu diệt tế bào nấm và vi khuẩn.
III. 4 chỉ định phổ biến nhất của thuốc 7 màu
Chứa corticoid và kháng sinh tác dụng mạnh, thuốc 7 màu silkron được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau:
1. Dùng cho các nhiễm khuẩn ngoài da: chốc, hăm tã, viêm nang lông
Thuốc 7 màu điều trị viêm nang lông
Với các nhiễm khuẩn ngoài da, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là vi khuẩn. Do đó, gentamycin trong thuốc 7 màu có tác dụng tiêu diệt hiệu quả các tác nhân gây bệnh, điều trị tốt trong các trường hợp: chốc lở, hăm tã, viêm nang lông.
2. Dùng cho các bệnh nấm da
Nguyên nhân chính gây nên các bệnh nấm da là do sự phát triển quá mức của vi nấm. Một số bệnh nhiễm trùng da do vi nấm gây ra đó là: hắc lào, lang ben, nấm móng,…. Clotrimazol có trong thuốc 7 màu giúp tiêu diệt các loại vi nấm gây bệnh đó. Đồng thời, thành phần betamethasone giúp hỗ trợ giảm viêm ngứa hiệu quả.
Thuốc 7 màu trị hắc lào
3. Viêm ngứa do chàm hoặc viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay
Betamethasone giúp giảm ngứa, giảm kích ứng, giảm tình trạng sưng đỏ do chàm, viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay gây ra. Cơ chế ức chế miễn dịch của corticoid đem lại hiệu quả nhanh cho các tổn thương da dạng chàm.
Bên cạnh đó, thành phần kháng sinh gentamicin giúp ngăn ngừa nguy cơ chàm bội nhiễm và cũng loại bỏ phần nào nguyên nhân gây kích ứng da.
Thuốc 7 màu trị ngứa do mề đay
4. Thuốc 7 màu trị mụn
Ngoài những chỉ định trên, thuốc 7 màu còn có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây ra mụn, giảm sưng, nóng, đỏ, đau, đánh bay tình trạng mụn viêm, mụn bọc,… gây khó chịu cho mọi người.
Tuy nhiên, do có chứa corticoid nên thuốc 7 màu Silkron chỉ nên dùng cho da mặt một cách thận trọng. Người dùng nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng điều trị mụn với Silkron.
Thuốc 7 màu trị mụn bọc
IV. Cách dùng và liều dùng
1. Cách dùng
- Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ vùng da bị bệnh bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9%. Dùng khăn bông lau sạch.
- Bước 2: Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi bôi thuốc.
- Bước 3: Lấy một lượng thuốc vừa đủ thoa đều lên vùng da vừa làm sạch. Massage nhẹ nhàng cho thuốc thấm đều vào da.
- Bước 4: Rửa sạch tay lại, đậy nắp cẩn thận, tránh thuốc dính vào vùng da lành khác.
2. Liều dùng
Tùy thuộc vào mức độ đáp ứng điều trị và mức độ tổn thương mà liều dùng có thể khác nhau trên các cá thể. Không nên sử dụng thuốc quá 2 tuần do sự hấp thu thuốc có thể tăng, gây tác dụng không mong muốn toàn thân. Lượng thuốc bôi cũng được khuyến cáo không dùng quá 45g/tuần. Người dùng cần có sự tham vấn của bác sĩ về liều dùng phù hợp nhất cho từng đối tượng.
V. Tác dụng không mong muốn
Do thuốc có chứa các thành phần có dược tính mạnh, nên trong quá trình sử dụng có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như sau:
- Tác dụng phụ tại chỗ: cảm giác nóng rát, bỏng nhẹ, ngứa, kích ứng, viêm nang lông, chứng tăng lông tóc, teo da, nổi vân da,….
- Khi sử dụng liều cao và lâu dài, thuốc có thể hấp thu vào máu và gây ra tác dụng phụ toàn thân:
- Chuyển hóa: mất kali, giữ nước và natri gây phù.
- Nội tiết: kinh nguyệt không đều, hội chứng cushing, ức chế sự tăng trưởng của thai và trẻ nhỏ, giảm dung nạp glucose.
- Cơ xương: yếu cơ, mất khối lượng cơ, loãng xương.
VI. Chống chỉ định – thận trọng
1. Chống chỉ định
Không sử dụng thuốc cho các trường hợp:
- Mẫn cảm với các thành phần có trong thuốc 7 màu.
- Mắc bệnh chàm tai ngoài kèm theo thủng màng nhĩ
- Bệnh viêm da phát triển kèm theo lở loét, có dấu hiệu bội nhiễm.
- Không dùng thuốc 7 màu cho trẻ dưới 1 tuổi.
2. Thận trọng
- Không dùng cho vết thương hở, tránh thuốc tiếp xúc vào mắt, niêm mạc, tai.
Không sử dụng thuốc 7 màu cho vết thương nhiễm trùng
- Chú ý theo dõi bệnh nhân khi điều trị kéo dài, đặc biệt là trẻ em.
- Sử dụng kéo dài hoặc lặp đi lặp lại có thể gây nhiễm khuẩn thứ phát.
- Phải điều trị đủ thời gian, không tự ý ngừng thuốc mặc dù triệu chứng có thuyên giảm.
- Nếu có kích ứng hoặc mẫn cảm, cần ngừng thuốc và điều trị thích hợp.
- Sử dụng gentamicin có thể gây phát triển quá mức các vi sinh vật không nhạy cảm bao gồm nấm. Nếu bội nhiễm xảy ra nên ngừng sử dụng thuốc và có biện pháp xử lý khác phù hợp.
VII. Tương tác thuốc
Nếu sử dụng liều cao và kéo dài, mỗi thành phần hoạt tính trong thuốc 7 màu sẽ có nguy cơ tương tác với các thuốc khác, nguy cơ làm tăng độc tính của các thuốc lẫn nhau.
1. Betamethasone dipropionate
- Dùng cùng với paracetamol liều cao: tăng nguy cơ nhiễm độc gan.
- Thuốc NSAIDs như: ibuprofen, diclofenac,… làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: làm tăng rối loạn tâm thần do corticoid tạo ra.
- Thuốc điều trị tiểu đường: cần điều chỉnh liều của thuốc hạ đường huyết sau khi ngừng liệu pháp corticoid.
- Glycosid digitalis: tăng khả năng loạn nhịp tim hay độc tính của digitalis kèm hạ kali huyết.
2. Clotrimazol
Nồng độ tacrolimus trong huyết thanh của bệnh nhân ghép gan tăng lên khi dùng đồng thời với clotrimazol. Do vậy nên giảm liều tacrolimus theo nhu cầu.
3. Gentamicin sulphate
- Sử dụng đồng thời với aminosid khác, vancomycin và kháng sinh cephalosporin: gây độc cho thận.
- Acid ethacrynic, furosemide: gây độc cho thính giác.
VIII. Lưu ý khi dùng thuốc
1. Lưu ý chung
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng, thời gian dùng, cách dùng.
- Tránh để thuốc tiếp xúc với các vùng da lành khác, niêm mạc, tai, mắt.
- Tránh các nguồn lây nhiễm hoặc tái nhiễm.
- Tránh mặc đồ bó sát vào vết thương được bôi thuốc.
- Tránh băng bó vùng da bôi thuốc, tạo độ thông thoáng nhất định.
- Rửa tay sạch sẽ trước và sau quá trình bôi thuốc 7 màu. Có thể trang bị thêm găng tay y tế khi bôi thuốc.
Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi bôi thuốc 7 màu
- Không rửa vùng da điều trị sau khi thoa kem. Tránh sử dụng các sản phẩm khác lên vùng da đó khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Tham vấn ý kiến của bác sĩ khi dùng thuốc trên các vết thương hở, da khô, nứt nẻ, dễ bị kích ứng hoặc cháy nắng.
2. Lưu ý cho các đối tượng đặc biệt
Phụ nữ có thai
Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc đối với người mẹ và thai nhi.
Phụ nữ cho con bú
Cần cân nhắc giữa lợi ích cho người mẹ và khả năng nguy hại cho trẻ nhỏ. Trong khi cho con bú, không nên bôi thuốc ở vùng ngực.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
Trẻ em là đối tượng có làn da tương đối mỏng manh, thuốc có khả năng thấm nhanh hơn và có thể gây ra các tác dụng mong muốn nhanh hơn. Vì vậy cần theo dõi cần thận khi dùng thuốc 7 màu cho trẻ nhỏ. Không nên sử dụng với trẻ dưới 1 tuổi.
Người bệnh đang sử dụng các thuốc tương tác với thuốc 7 màu Silkron
Mọi người cần thông báo cho bác sĩ các sản phẩm đang dùng để bác sĩ có thể xây dựng phác đồ dùng thuốc phù hợp cho bạn.
IX. Kết luận
Thuốc 7 màu silkron có nhiều công dụng nhưng nếu không sử dụng không đúng cách cũng sẽ dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn. Vì vậy, những ai có ý định dùng thuốc trị bệnh cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trên đây là tất cả những thông tin khái quát nhất về thuốc 7 màu silkron. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 1900 9482 để được các chuyên gia y tế tư vấn và giải đáp.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp