Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Hiện bệnh vẫn chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu. Cơ chế lành bệnh chủ yếu phụ thuộc vào hệ miễn dịch tự nhiên trong cơ thể. Vì vậy, mẹ cần hiểu rõ bé bị tay chân miệng cần kiêng gì để chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cũng như có chế độ sinh hoạt phù hợp, giúp bé tăng cường đề kháng và mau khỏi bệnh.
I. Trẻ em bị tay chân miệng nên kiêng ăn gì?
1. Tránh cho bé ăn các loại thực phẩm giàu arginine
Arginine là axit amin có thể làm virus sản sinh nhiều hơn. Nếu bé ăn những loại thực phẩm chứa chất này có thể khiến bệnh tay chân miệng thêm trầm trọng. Vì vậy, mẹ không nên cho bé ăn những loại thực phẩm như thịt gà, đậu nành, đậu phộng, lạc, socola,…
Một số thực phẩm giàu arginine
2. Kiêng các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Mẹ nên tránh cho bé ăn nhiều thịt hay các thực phẩm giàu chất béo như phô mai, bơ, thức ăn chiên rán vì sẽ làm cho da tiết nhiều dầu, khiến tình trạng phát ban trầm trọng hơn.
3. Tay chân miệng kiêng ăn gì? Tránh cho bé ăn đồ cay nóng, thức ăn cứng
Trong thời gian trẻ bị tay chân miệng, bạn không nên cho trẻ ăn thức ăn chua, mặn hoặc cay. Những loại thức ăn này sẽ khiến các vết loét trong miệng bé đau hơn, thậm trí khó lành. Thay vào đó, cha mẹ hãy chọn những đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa để trẻ ăn ngon hơn.
Tránh những loại thức ăn cay, nóng
II. Những loại thực phẩm trẻ em nên ăn khi bị tay chân miệng
1. Cháo loãng và súp là luôn là lựa chọn ưu tiên
Vì các vết loét trong miệng gây đau trong quá trình ăn nên bé thường quấy khóc và bỏ bữa. Cha mẹ nên nấu loãng, súp cho bé ăn trong thời gian bị tay chân miệng. Những thức ăn này lỏng, mềm, dễ tiêu hóa sẽ giúp trẻ bớt đau đớn, ăn nhiều hơn.
Bạn nên nấu súp với các loại thịt, tránh cá và kết hợp nhiều loại rau củ.
2. Không biết cho bé ăn gì khi bị tay chân miệng? Bổ sung ngay trứng gà
Trong trứng có rất nhiều protein và vitamin tốt cho sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, những món ăn làm từ trứng thường mềm, không khiến bé gặp đau đớn khi ăn.
Tuy nhiên lòng đỏ trứng cũng chứa một lượng chất béo bão hòa tương đối. Vì vậy bạn không nên lạm dụng trứng mà nên đổi thực đơn thường xuyên cho trẻ.
3. Bổ sung nhiều vitamin hơn bằng sinh tố và nước trái cây
Việc bổ sung nhiều vitamin có trong các loại trái cây sẽ giúp bé tăng sức đề kháng và chống lại vi rút gây bệnh. Nước ép hoa quả ở dạng lỏng và có hương vị thơm ngon giúp trẻ ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin C từ các loại cam, bưởi là rất tốt, tuy nhiên không nên ép bé uống nếu bé cảm thấy đau, xót.
4. Bé bị tay chân miệng, ăn kem có phải một sự lựa chọn tốt?
Thường khi trẻ bị ốm, kem là một món ăn vặt mà bố mẹ cho rằng phải tuyệt đối tránh xa. Tuy nhiên với tay chân miệng, tính dịu mát của kem có vai trò tốt. Chúng giúp giảm đau tạm thời các vết loét trong khoang miệng, từ đó giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
5. Bé không chịu ăn? Bổ sung thêm sữa
Trong lúc bị tay chân miệng, nhiều khi trẻ đau không chịu ăn nhưng hoàn toàn có thể uống một ly sữa. Sữa chứa lượng protein dồi dào giúp bổ sung lượng chất dinh dưỡng còn thiếu cho trẻ. Đồng thời, nó còn bù lại một lượng dịch đã mất của cơ thể.
Tuy nhiên, mẹ cũng không nên lạm dụng bởi sữa cũng chứa hàm lượng arginine nhất định.
III. Bệnh tay chân miệng ở trẻ nên kiêng những gì?
1. Tránh nơi đông người
Vì bệnh lây lan rất nhanh, cha mẹ nên cho bé nghỉ ngơi tại nhà, không cho bé đi học hay tới nơi đông người.
2. Tay chân miệng kiêng làm vỡ bọng nước
Tay chân miệng đặc trưng bởi các bọng nước tập trung tại vùng miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay. Bố mẹ trong quá trình vệ sinh cho bé nên nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bọng nước gây đau cho bé.
Ngoài ra phải cắt ngắn móng tay hoặc đeo bao tay, không cho bé gãi vào các vết phát ban bởi dịch từ chúng có thể lan truyền bệnh.
3. Trẻ bị tay chân miệng có tắm được không?
Nhiều người cho rằng bị chân tay miệng phải kiêng gió, kiêng nước. Tuy nhiên 2 điều này đều chưa có cơ sở khoa học đầy đủ. Mặt khác, việc tắm và vệ sinh cho trẻ thường xuyên sẽ ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, tránh bội nhiễm có thể xảy ra.
Tuy nhiên, mẹ cần phải nhẹ nhàng trong quá trình tắm để tránh làm vỡ các phỏng nước trên cơ thể bé.
Trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng tắm nhưng mẹ nên chú ý nhẹ nhàng
4. Không tự ý truyền nước
Trẻ em bị tay chân miệng mất nước nhiều do: sốt cao, tiêu chảy, nôn nhiều. Tuy nhiên, việc truyền nước chỉ nên được thực hiện khi trẻ có các triệu chứng trên và được chỉ định bởi bác sĩ.
Trường hợp bố mẹ chăm sóc bé tại nhà, nên cho bé uống đủ nước hoặc bổ sung thêm điện giải bằng dung dịch oresol với liều theo chỉ định.
5. Tay chân miệng kiêng gì? Kiêng ủ ấm trẻ quá mức
Nhiều người cho rằng trẻ bị tay chân miệng cần được kiêng gió, ủ ấm mà không biết rằng đây là quan niệm sai lầm. Trẻ không cần ủ kín hay kiêng cữ gì khác, khi trẻ sốt cao cần được mặc đồ rộng rãi, thoáng mát. Ủ quá kỹ khiến bé dễ sốt cao và làm bệnh nặng hơn.
6. Kiêng dùng chanh hoặc muối để sát trùng loét, bọng nước cho trẻ.
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng chanh và muối có tính axit, giúp sát khuẩn và làm sạch vết thương. Tuy nhiên quan điểm này là sai lầm. Dùng chanh và muối để sát khuẩn vết loét sẽ làm bé đau đớn, chậm lành vết thương. Mặt khác, hiệu quả của chúng lên vi rút, vi khuẩn là không cao.
Có rất nhiều dung dịch sát khuẩn an toàn, không gây đau xót hiện nay trong vệ sinh vết loét trong tay chân miệng như Dizigone, Xanh methylen,…
7. Không ép trẻ ăn
Cha mẹ phải hiểu, việc các vết loét trong khoang miệng gây đau khiến trẻ chán ăn là việc chắc chắn sẽ xảy ra. Thay vì bắt ép khiến trẻ quấy khóc, cha mẹ nên cho bé ăn những món bé thích và chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa trong ngày.
Sau 5-7 ngày, khi mà các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, cha mẹ có thể cho bé ăn uống bình thường mà không cần kiêng khem gì.
IV. Một số lưu ý quan trọng khác dành cho bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà
1. Hạ sốt đúng cách
Sốt là triệu chứng thường gặp trong tay chân miệng. Tuy nhiên, không phải trường hợp sốt nào bé cũng cần dùng thuốc.
Khi triệu chứng sốt nhẹ, thân nhiệt bé <38,5°C, cha mẹ chỉ cần chườm ấm cho trẻ:
- Dùng khăn nhúng vào chậu nước ấm, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ.
- Đặt khăn trên hõm nách, bẹn và trán.
- Sau 15-30 phút, đo lại thân nhiệt cho trẻ.
- Dừng chườm khi nhiệt độ <3 5,7°C
Khi trẻ sốt > 38,5°C, khi đó mẹ cần cho bé uống Paracetamol mức liều 10-15mg/kg/lần. Nếu trẻ vẫn sốt cao, có thể dùng liều thứ 2 sau 4-6 giờ.
Mẹ có thể dùng các dạng thuốc có hương vị cho bé dễ uống. Nếu bé không uống được, mẹ cân nhắc cho bé dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.
Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên để hạ sốt cho bé phù hợp
2. Chăm sóc tốt các vết loét, phát ban
Các vết loét, phỏng nước nếu không được chăm sóc hợp lý sẽ dễ dẫn tới tình trạng bội nhiễm gây nguy hiểm cho trẻ.
Kháng sinh chỉ có tác dụng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn, không có tác dụng trên vi rút. Chính vì vậy, cha mẹ không nên dùng kháng sinh cho bé (Trừ trường hợp bội nhiễm và có chỉ định của bác sĩ).
Giải pháp tối ưu nhất là sát khuẩn, vệ sinh các vết loét hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn phù hợp. Cách này không chỉ giúp ức chế quá trình gây loét của vi rút, mà còn phòng ngừa bội nhiễm tránh làm bệnh tiến triển nặng hơn. Bố mẹ có thể tham khảo một số dung dịch kháng khuẩn hiệu quả tay chân miệng hiện nay: Xanh methylen, Betadine, Dizigone,…
3. Theo dõi biến chứng:
Bố mẹ nên theo dõi bé thường xuyên, nhất là trong lúc trẻ ngủ để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm. Trường hợp trẻ có những biểu hiện bất thường: sốt cao kéo dài (> 2 ngày), quấy khóc liên tục, hay giật mình, ngủ li bì, co giật,… Khi đó bố mẹ cần đưa bé tới ngay cơ sở y tế gần nhất để can thiệp kịp thời.
4. Đảm bảo vệ sinh và hạn chế tiếp xúc
Tay chân miệng là bệnh lây lan rất nhanh, có thể bùng phát thành dịch và tái đi tái lại nhiều lần. Nhiều trường hợp, tay chân miệng có thể lây cho cả người lớn. Vì vậy bố mẹ cần ý thức phòng bệnh cho chính bản thân và gia đình. Tay chân miệng sẽ sớm bị đánh bại nếu cha mẹ tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Cho trẻ súc miệng với nước muối hoặc vệ sinh vết loét trong khoang miệng mỗi ngày, đặc biệt sau khi ăn.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho bé sau khi tắm
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và theo nhu cầu của trẻ;
- Đảm bảo các vật dụng ăn uống của bé phải được rửa sạch sẽ, tốt nhất nên ngâm bằng nước sôi trước khi sử dụng
- Nếu nhà có nhiều trẻ, không để các bé dùng chung cốc, chén, thìa, đồ chơi…
- Thường xuyên vệ sinh vị trí bé tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, đồ chơi, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa bằng các chất sát khuẩn chlorine.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé.
Rửa tay là cách phòng ngừa tay chân miệng hiệu quả
Kết luận
Tay chân miệng là bệnh tuy đa phần lành tính nhưng trong nhiều trường hợp có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà, cha mẹ nên chú ý về dinh dưỡng cũng như chế độ sinh hoạt cho trẻ. Thực hiện tốt những vấn đề này sẽ giúp bé mau khỏi bệnh và hồi phục nhanh hơn. Mong rằng bài viết đã phần nào giải đáp những thắc mắc từ bạn.
Nếu có bất cứ câu hỏi gì về tay chân miệng hay các bệnh da liễu khác, bố mẹ có thể để lại số điện thoại hoặc liên hệ HOTLINE 1900 9482. Đội ngũ dược sỹ giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc từ bạn.
Tài liệu tham khảo: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm – Bộ Y tế
Theo Viendalieu.com.vn tổng hợp