Nấm tóc là một tình trạng viêm gây ra bởi sự xâm nhập của các loại nấm, gây tổn thương tóc, nang tóc, da đầu và các vùng da xung quanh. Nấm tóc khiến da đầu ngứa ngáy, tróc vảy, rụng tóc nhiều, mang lại cho người bệnh cảm giác khó chịu và bứt rứt. Để hiểu thêm về nấm tóc và cách điều trị hợp lý, hãy cùng tìm hiểu theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong bài viết dưới đây.
Mục lục
I. Nguyên nhân gây nấm tóc
Nguyên nhân gây nấm tóc chủ yếu do các loại nấm thuộc nhóm dermatophyte. Ở Việt Nam, hai loại nấm thường gặp nhất chính là Trichophyton và Microsporum.
Tùy thuộc các loại nấm khác nhau mà có thể gây nên các bệnh nấm tóc khác nhau. Nấm tóc Piedra trắng do nấm Trichophyton beigelii gây nên. Nấm tóc Piedra đen do nấm Piedraia hortae gây nên. Trong khi đó, nấm đầu (tên tiếng Anh là Tinea capitis) thường có nguyên nhân do nấm Trichophyton tonsurans.
Các loại nấm này có thể lây truyền theo nhiều cách:
- Lây từ người sang người: Nếu tiếp xúc trực tiếp và sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như quần áo, lược chải đầu,… với người mắc bệnh nấm tóc thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm.
- Lây từ động vật sang người: Trên các loại vật nuôi như chó, mèo đều có sự hiện diện tiềm ẩn của các loại vi khuẩn, nấm. Việc tiếp xúc hay ôm ấp động vật nhiễm bệnh có thể là cơ hội để nấm lây lan sang người.
- Lây từ đất nhiễm nấm: Các loại nấm trên tồn tại được trong đất và từ đó có thể lây lan sang người.
II. Hướng dẫn chẩn đoán nấm tóc
1. Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán nấm tóc dựa chủ yếu trên các biểu hiện lâm sàng.
Nấm tóc Piedra có hai dạng chính là Piedra đen và Piedra trắng. Trong nấm tóc Piedra đen, biểu hiện thường gặp là các nốt màu nâu hoặc đen dọc theo thân tóc. Nhiễm nấm thường bắt đầu dưới lớp biểu bì của sợi tóc và lan rộng ra ngoài. Tóc có thể giòn, dễ gãy rụng do vỡ các nốt tại thân tóc. Khi các nốt lớn dần, chúng có thể bao bọc quanh thân tóc. Trong nấm tóc Piedra trắng, nhiễm nấm cũng bắt đầu bên dưới lớp biểu bì và phát triển thông qua thân tóc, gây suy yếu và gãy tóc. Các nốt này thường mềm, ít dính, màu trắng nhưng trong một số trường hợp có thể là màu đỏ, xanh lá cây hoặc màu nâu sáng.
Bên cạnh đó, nấm đầu thường biểu hiện với các triệu chứng phổ biến như ngứa da đầu, tóc có vảy và rụng nhiều. Ở giai đoạn nhẹ, da đầu thường có nhiều vảy da trắng nhỏ như gàu. Kèm theo đó người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ngáy, có thể xuất hiện các mụn mủ nhỏ. Sau đó, tình trạng rụng tóc sẽ ngày một nhiều và nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, cơ thể phản ứng quá mức gây biểu hiện là các mảng mủ, ướt, thậm chí hình thành các ổ áp xe nhỏ.
Một số người bệnh sẽ có biểu hiện toàn thân mệt mỏi, sưng hạch. Tóc ở vùng tổn thương có thể mọc lại, tuy nhiên khi tổn thương lâu, có thể để lại sẹo và gây ra hói đầu vĩnh viễn.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Để chẩn đoán nấm tóc, ngoài việc dựa trên các triệu chứng lâm sàng, cần làm một số xét nghiệm như:
- Soi tươi: bệnh phẩm là các vảy da đầu, tóc hay các chất bám trên tóc. Trên tiêu bản soi tươi có thể trực tiếp thấy hình ảnh sợi nấm chia đốt và phân nhánh.
- Nuôi cấy trong môi trường đạm thạch để có thể chẩn đoán xác định loại nấm, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp. Thời gian nuôi cấy để kết luận dương tính là 7-14 ngày và để kết luận âm tính là 21 ngày.
- Mô bệnh học: sinh thiết thường ít được chỉ định trong chẩn đoán nấm nông.
III. Hướng dẫn điều trị nấm tóc
Để đạt được hiệu quả trong điều trị, người bệnh cần có sự kiên trì vì chữa nấm tóc thường khá tốn thời gian. Để điều trị dứt điểm có thể phải mất từ 1-2 tháng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, dưới đây là bốn nguyên tắc chung trong điều trị nấm tóc.
1. Cắt tóc ngắn
Cắt tóc ngắn sẽ giúp việc gội đầu và vệ sinh da đầu trở nên dễ dàng hơn. Da đầu sạch giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm, cũng giúp thuốc hấp thu dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc cắt tóc ngắn làm giảm lực tác động lên chân tóc, giúp giảm thiểu khả năng rụng tóc.
2. Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và chống nấm
Để loại bỏ tác nhân gây bệnh, cần gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và chống nấm. Tuy nhiên, khi lựa chọn các dụng dịch sát khuẩn cần lựa chọn các dung dịch an toàn, dịu nhẹ cho da đầu, không gây tác dụng phụ. Khi sử dụng để gội đầu, so với các thuốc chống nấm, các dung dịch sát khuẩn thường được ưu tiên hơn do không gây tác dụng phụ.
3. Sử dụng thuốc chống nấm thận trọng và theo dõi kỹ
Khi tình trạng nấm da đầu nghiêm trọng, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc kháng nấm. Bác sĩ sẽ kê các thuốc kháng nấm đường uống để phối hợp điều trị.
Đối với người lớn:
- Fluconazol 6mg/kg/ngày (3-6 tuần).
- Griseofulvin 20mg/kg/ngày (6-8 tuần).
- Itraconazol 5mg/kg/ngày (4-8 tuần).
- Terbinafin 250mg/ngày (2-4 tuần).
Đối với trẻ em:
- Fluconazol 6mg/kg/ngày (6 tuần).
- Griseofulvin 20-25 mg/kg/ngày (6-8 tuần).
- Itraconazol 3-5 mg/kg/ngày (6 tuần).
- Terbinafin 62.5 mg/ngày (<20kg), 125 mg/ngày (20-40 kg) hoặc 250 mg/ngày (<40kg) (2-6 tuần).
Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: đau bụng, tiêu chảy, phát ban, mệt mỏi, nôn mửa, ngứa ngáy… Đây là đặc điểm chung của các thuốc kháng nấm. Để hạn chế các tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh vẫn phải duy trì gội đầu bằng dung dịch sát khuẩn để tăng hiệu quả điều trị. Việc kết hợp tác động từ ngoài và trong như vậy sẽ giúp đẩy lùi nấm triệt để.
4. Điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo
Trong một số trường hợp, nấm tóc có thể dẫn đến biến chứng là các nhiễm khuẩn các theo. Chính vì vậy, cần kết hợp điều trị nhiễm khuẩn đồng thời với việc tiêu diệt nấm gây bệnh.
IV. Hướng dẫn phòng ngừa nấm tóc
Nấm tóc có thể phòng ngừa được nếu biết cách chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cần lưu ý một số biện pháp sau để giảm thiểu nguy cơ nhiễm nấm tóc.
- Vệ sinh da đầu sạch sẽ: gội đầu và làm sạch da đầu thường xuyên.
- Hạn chế gội đầu vào ban đêm, tránh trường hợp mang tóc ướt thường xuyên.
- Giữ khô tóc: tránh ra nhiều mồ hôi, cần lau khô hoặc sấy khô tóc sau mỗi lần gội.
- Hạn chế tiếp xúc với thú cưng, nếu có tiếp xúc thì sau đó cần vệ sinh sạch sẽ.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ không gian sống: lau dọn nhà cửa, thay giặt chăn gối và ga giường thường xuyên.
Để được tư vấn và giải đáp thắc mắc về bệnh nấm tóc, vui lòng liên hệ HOTLINE: 19009482 (trong giờ hành chính) hoặc 0964619482 (ngoài giờ hành chính).
Theo Viendalieu.com.vn tổng hợp