Sẹo rỗ là tổn thương da liễu cần được điều trị sớm bởi nó ảnh hưởng nhiều tới vẻ bề ngoài và sự tự tin của người bị sẹo. Trong các phương pháp điều trị sẹo rỗ thì chấm TCA được nhiều bác sĩ da liễu đánh giá có tính hiệu quả và độ an toàn cao. Cùng tìm hiểu về quy trình chấm TCA trị sẹo rỗ hiệu quả như thế nào và có đáng để trải nghiệm hay không trong bài viết dưới đây.
Mục lục
I. Giới thiệu phương pháp chấm TCA trị sẹo rỗ
1. Chấm TCA trị sẹo rỗ là gì?
Chấm TCA trị sẹo rỗ là phương pháp sử dụng Trichloroacetic acid (TCA) để tái tạo da mới. Phương pháp này còn có tên gọi khác là thay da hóa học (Peel). TCA được chấm trực tiếp lên vết sẹo bằng dụng cụ chuyên biệt. Mục đích của phương pháp là phá nền sẹo, kích thích các tế bào phát triển để làm đầy sẹo.
Trichloroacetic acid là một acid yếu có cấu trúc tương tự acid acetic. Ưu điểm của acid này là có thể sử dụng ở nồng độ cao và cải thiện sắc tố da. Đồng thời, TCA cũng được dùng để làm bong tróc lớp da cũ và kích thích hình thành collagen.
- TCA nồng độ thấp (dưới 10%): giúp loại bỏ bụi bẩn và tế bào chết trên bề mặt da. Đồng thời, hoạt chất này cúng làm sáng da, cải thiện tông da do bị cháy nắng.
- TCA nồng độ từ 15 – 25% hoặc từ 30% – 50%: giúp cải thiện nếp nhăn nông, làm sạch vết thâm mụn.
- TCA trên 50%: được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ. Nó tác động vào các lớp sâu dưới da. Thường sử dụng TCA nồng độ cao để cải thiện nếp nhăn do tuổi tác hoặc sẹo rỗ sâu.
TCA 90% có tác động vào các lớp sâu dưới da
2. Nồng độ sử dụng
Chấm TCA trị sẹo rỗ thường sử dụng nồng độ từ 50% – 100% tùy vào đặc tính da của mỗi người. Chất lượng da bao gồm độ dày và độ sâu của chân sẹo là yếu tố giúp bác sĩ có thể điều chỉnh nồng độ TCA cho phù hợp.
Với người châu Âu, nồng độ TCA sử dụng có thể đạt tới 100%. Bởi vì cấu trúc làn da của họ khỏe hơn người châu Á.
Đối với người Việt Nam, đa số thuộc tuýp da nhạy cảm, dễ bắt nắng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo chỉ dùng TCA nồng độ thấp để tránh làm tổn thương da. Đặc biệt, nồng độ thấp sẽ giúp da không bị bào mòn, không bị sạm nám da sau thời gian điều trị.
3. Cơ chế tác dụng
Hiệu quả của phương pháp liên quan tới tác dụng chính của trichloroacetic acid. TCA có khả năng kết tủa protein và làm đông đặc các tế bào ở lớp thượng bì. Sau vài tháng điều trị, quá trình tái sắp xếp collagen diễn ra khiến da trở nên đầy đặn hơn.
TCA cũng tác động vào lớp biểu bì loại bỏ đi các tế bào chết và tạp chất gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Từ đó, nó thúc đẩy tái tạo da mới, tăng sinh collagen và elastin. Vết sẹo rỗ sẽ được làm đầy và màu da vùng sẹo cũng được cải thiện. Phương pháp chấm TCA giúp da bạn trẻ hóa, săn chắc, mịn màng hơn.
4. Đối tượng sử dụng
Chấm TCA trị sẹo rỗ là phương pháp lý tưởng cho người có sẹo rỗ trên mặt do một số nguyên nhân sau:
- Di trứng của mụn trứng cá, mụn bọc, mụn viêm, mụn đầu đen,…
- Do nặn mụn không đúng cách.
Sẹo hình thành sau khi bị bệnh ngoài da như thủy đậu.
Chấm TCA trị sẹo lõm do thủy đậu
- Do chấn thương hoặc chăm sóc da không đúng cách.
Phương pháp này chỉ mang lại hiệu quả và an toàn cho một số đối tượng sau:
- Phụ nữ không có thai hoặc không cho con bú.
- Người không mắc các bệnh da liễu như: vảy nến, chàm hoặc rosacea (da ửng đỏ).
- Người ít phải làm việc ngoài trời.
- Người không có sẹo lồi hoặc khó lành vết thương.
II. Quy trình thực hiện
Quy trình chấm TCA trị sẹo rỗ được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc kỹ thuật viên được đào tạo kỹ lưỡng. Do phương pháp đòi hỏi sự chính xác cao để tránh làm rơi acid vào vùng da lành xung quanh sẹo hay dính vào mắt. Quy trình thực hiện bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Bác sĩ thăm khám, kiểm tra và đánh giá tình trạng sẹo để lựa chọn nồng độ TCA phù hợp.
- Bước 2: Dùng gạc y tế che vùng mắt và vùng da lành xung quanh để tránh thuốc dính vào gây tổn thương.
- Bước 3: Làm sạch vùng da cần điều trị. Đồng thời, tiến hành gây tê để giảm đau cho bệnh nhân trước khi thực hiện 1 giờ (nếu cần thiết). Có thể dùng nước muối sinh lý hoặc cồn y tế, dung dịch Dizigone để sát trùng.
- Bước 4: Chấm trực tiếp TCA vào vết sẹo, chờ 1 – 2 phút cho khô. Sau đó chấm thêm 1 – 2 lần đến khi tổn thương có màu trắng thì dừng.
- Bước 5: Làm dịu vùng da bằng gạc lạnh hoặc mặt nạ chuyên dụng.
Vì chấm TCA sẽ gây đau xót da nên tùy vào khả năng chịu đựng của người bệnh mà mỗi lần điều trị có thể chấm nhiều hay ít. Nếu chấm nhiều quá sẽ gây tổn thương da và làm gia tăng nguy cơ hình thành sẹo mới.
Nếu chấm thuốc vào vùng da lành, phải lau sạch ngay hoặc đắp gạc ẩm để làm dịu vết thương. Trong quá trình điều trị, khi da gặp dị ứng nên ngừng quy trình ngay.
Nếu bệnh nhân cảm thấy quá đau xót, bác sĩ cũng sẽ cân nhắc ngừng điều trị hoặc chuyển sang một phương pháp an toàn hơn.
III. Hiệu quả và tác dụng
1. Tác dụng
Liệu trình chấm TCA trị sẹo rỗ được nhiều người lựa chọn bởi phương pháp đem lại hiệu quả ưu việt:
- Xóa sẹo rỗ và thu nhỏ lỗ chân lông.
- Kích thích tổng hợp collagen lấp đầy sẹo, giúp da bằng phẳng và mịn màng hơn.
- Thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương, giúp da khỏe từ bên trong.
- Cung cấp dưỡng chất và các vitamin cần thiết cho quá trình tái tạo da.
- Dưỡng ẩm, làm dịu da mà không gây kích ứng da.
Tác dụng của phương pháp phụ thuộc vào tình trạng sẹo nông hay sâu và kỹ thuật của người thực hiện. Vì vậy, bạn nên chọn những cơ sở uy tín để thực hiện phương pháp này.
2. Chấm TCA hiệu quả trong trường hợp nào?
Phương pháp chấm TCA phù hợp với hầu hết các trường hợp sẹo. Đây là phương pháp mang lại hiệu quả tốt với sẹo lõm đã ổn định, có kích thước từ 1 – 3mm. Chấm TCA không được khuyến cáo trong trường hợp sẹo lõm chưa ổn định, kích thước trên 3mm. Trong trường hợp này, da bạn dễ bị tổn thương hơn khi phải dùng một lượng lớn TCA để lấp đầy sẹo rỗ.
Trong tất cả các loại sẹo thì sẹo Icepick (chân đá nhọn) là khá khó điều trị. Do sẹo này sâu, miệng hẹp, đáp ứng kém với phương pháp laser tái tạo hay thủ thuật phục hồi collagen. Khi đó, chấm TCA giúp giải quyết trường hợp này nhờ tác động trực tiếp vào nốt sẹo, đem lại kết quả nhanh chóng hơn.
Với trường hợp sẹo rỗ vĩnh viễn, cần kết hợp TCA với các phương pháp khác như: Bóc tách sẹo, Laser fractional CO2, Serum GEN 2.0,… sẽ có hiệu quả tốt hơn.
3. Tác dụng phụ
Chấm TCA trị sẹo rỗ cũng tồn tại một số tác dụng phụ tiềm ẩn như:
- Gây bỏng nhẹ, mẩn đỏ da trong 2 tuần. Tuy nhiên, các phản ứng này hoàn toàn bình thường nên người bệnh chỉ cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi điều trị.
- Thay đổi màu da: Chấm TCA có thể làm tăng sắc tố da ở những người có làn da sẫm màu.
Chấm TCA có thể làm tăng sắc tố da
- Làm trầm trọng bệnh herpes nếu bạn nhiễm virus herpes simplex.
Để giảm thiểu các tác dụng phụ của TCA, bạn nên bắt đầu điều trị với nồng độ thấp. Nếu da đáp ứng tốt và có sự cải thiện sẹo thì có thể cân nhắc sử dụng với nồng độ cao hơn. Điều bạn cần làm là chuẩn bị một sức khỏe thật tốt để tiến hành điều trị. Đồng thời, cần chăm sóc da thật cẩn thận để vết sẹo mau hồi phục và tránh những biến chứng nguy hiểm.
IV. Lưu ý khi thực hiện phương pháp chấm TCA trị sẹo rỗ
1. Trước khi thực hiện
Trước khi chấm TCA trị sẹo rỗ, bạn cần sử dụng kem chống nắng hàng ngày trong ít nhất 4 tuần. Điều này có thể giúp da bạn đều màu hơn sau khi thực hiện điều trị.
Sử dụng kem chống nắng ít nhất 4 tuần trước khi chấm TCA
Bạn nên ngừng sử dụng bất kỳ sản phẩm chăm sóc da chứa retinoid trong vòng 1 tuần trước khi thực hiện chấm TCA. Thành phần retinol có thể làm mỏng lớp da khiến da dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với TCA. Bên cạnh đó, nên ngừng dùng các chất tẩy tế bào chế mạnh như AHA, BHA vì chúng làm gia tăng tổn thương da khi thực hiện chấm TCA.
Ngay trước thời điểm thực hiện, người bệnh cần đảm bảo da mặt thật sạch sẽ để loại bỏ dầu thừa và bụi bẩn. Với nam giới nên cạo râu trước đó vài giờ để đảm bảo không cản trở tới sự hấp thu TCA.
>>>Xem thêm: Retinol có tác dụng gì với da mụn? Cách dùng đúng và hiệu quả nhất
2. Trong quá trình điều trị sẹo bằng TCA
Chấm TCA trị sẹo rỗ là phương pháp đòi hỏi kỹ thuật chính xác cao. Vì vậy, bạn chỉ nên thực hiện tại những cơ sở y tế uy tín có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe như gây bỏng da, nhiễm trùng, tạo sẹo mới,…
Không nên thực hiện phương pháp này tại nhà để tránh gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới kết quả điều trị sẹo rỗ của chính bạn.
3. Sau khi điều trị
Nồng độ acid cao có thể gây kích ứng mạnh. Do đó, bạn cần chú ý chăm sóc da cẩn thận sau khi điều trị. Nếu thấy da bong ra, không nên lột bỏ hoặc chà sát vào vết sẹo. Điều này có thể gây chảy máu và làm vết sẹo lâu lành hơn.
Sau khi điều trị, da bạn đang yếu và dễ bị tổn thương nên phải hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nếu phải ra ngoài trời thì bạn lưu ý đến việc chống nắng trong thời gian hồi phục này. Bạn cũng nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm để bù nước cho da, đồng thời tăng khả năng hồi phục.
Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời sau quá trình điều trị
Người bệnh vừa mới điều trị xong nên tránh vận động nhiều. Vì tình trạng da mặt nóng và đổ nhiều mồ hôi có thể gây đỏ da.
Trên đây là những thông tin cơ bản về phương pháp chấm TCA trị sẹo rỗ. Chấm TCA là phương pháp đem lại hiệu quả cao và an toàn đối với người bệnh. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về chấm TCA, hãy gọi ngay tới Hotline: 19009482 để được đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn và giải đáp.
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp