Với 2-3 đợt dịch bùng phát mỗi năm, tay chân miệng không còn là căn bệnh xa lạ đối với chúng ta. Tuy là một bệnh lành tính song nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vậy cách chữa bệnh tay chân miệng là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cách điều trị tay chân miệng tại nhà hiệu quả nhất.
Mục lục
I. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do nhiều chủng virus gây ra trong đó chủ yếu là hai chủng coxsackie A16 và enterovirus 71.
Tay chân miệng lây nhiễm như thế nào?
- Nguồn bệnh chủ yếu là từ người bệnh, hoặc người lành mang virus. Virus tồn tại trong các dịch tiết như nước bọt, dịch tiết hầu họng, từ các nốt phỏng trên da và trong phân của người bệnh.
- Bệnh lây qua đường “phân – miệng” và chủ yếu lây nhiễm trực tiếp thông qua tiếp xúc với các dịch tiết từ hầu họng, nước bọt, từ các chất tiết, từ mụn phỏng hoặc có thể do tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên các bề mặt dụng cụ sinh hoạt, bàn ghế, bát đĩa. Việc hắt hơi, ho, nói chuyện rất dễ khiến vi khuẩn lây lan nhanh chóng.
- Không phải ai nhiễm virus cũng có biểu hiện bệnh mà đa số bệnh ở thể ẩn, không biểu hiện triệu chứng nhưng trong dịch tiết vẫn mang virus. Đây là nguồn lây tiềm ẩn rất nguy hiểm.
- Yếu tố thuận lợi như tham gia các hoạt động tập chung như đi học tại nhà trẻ, trường học, khu vui chơi tập chung khiến bệnh lây lan nhanh hơn, đặc biệt là trong đợt dịch.
II. Biểu hiện thông thường của bệnh tay chân miệng
Khi mắc bệnh, bệnh nhân thường có các biểu hiện sau:
- Sốt là dấu hiệu đầu tiên
- Nổi các bọng nước ở niêm mạc miệng, trong má, nướu, lưỡi,…
- Xuất hiện các đốm ban đỏ ở mu bàn tay, bàn chân, các ban đỏ này có thể tạo thành các bọng nước trên nền ban da.
- Loét miệng: Các bọng nước ở miệng rất dễ bị vỡ, tạo thành những vết loét ngoài da và trong niêm mạc miệng khiến người bệnh rất đau, khó ăn uống, trẻ quấy khóc.
- Bệnh thường không ngứa trừ khi có ban da, vỡ các bọng nước
III. Nguyên tắc điều trị bệnh chân tay miệng
- Hiện nay chưa có thuốc điều trị tay chân miệng đặc hiệu, chủ yếu điều trị hỗ trợ (hạ sốt, bù nước nếu cần, kiểm soát loét miệng và phát ban, mụn nước ngoài da), điều trị tiêu chảy (lưu ý không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm).
- Theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm và phân độ đúng để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
- Với trường hợp bệnh nặng phải điều trị theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu (ví dụ như nguyên tắc ABC của bộ y tế bao gồm (1) A: Airway, có nghĩa là làm sạch đường thở, (2) B: Breathing, có nghĩa là duy trì thở cho bệnh nhân và (3) C: Circulation: duy trì hoạt động của hệ tuần hoàn …).
- Áp dụng chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, nâng cao miễn dịch cho cơ thể.
IV. 4 bước chữa trị tay chân miệng an toàn – hiệu quả tại nhà
Bệnh tay chân miệng tuy là một bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tùy vào nặng nhẹ chia bệnh thành 4 mức độ:
- Độ 1: Mức độ nhẹ, chỉ có loét miệng và tổn thương da.
- Độ 2: Bệnh bắt đầu có những biến chứng thần kinh, tim mạch nhẹ như giật mình, nuốt sặc, thay đổi giọng nói, sốt cao.
- Độ 3: Bệnh có biến chứng thần kinh, tim mạch hô hấp nặng.
- Độ 4: Khi trẻ có 1 trong số các dấu hiệu: sốc, phù phổi, tím tái, nấc thậm chí ngừng thở.
Khi bệnh tay chân miệng ở các cấp độ nặng cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để chữa trị kịp thời. Với cấp độ 1 là cấp độ nhẹ bệnh có thể điều trị tại nhà qua 4 bước sau:
1. Bước 1: Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ
Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày cho bé là cách đơn giản nhất để bé mau khỏi bệnh. Tùy theo lứa tuổi, nếu trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Nên ăn những thức ăn lỏng, mềm, uống nhiều nước, hoa quả giàu vitamin C như đu đủ, cam,… để tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Gợi ý giúp mẹ một số loại thức ăn nên bổ sung cho trẻ:
Tinh bột: Khi trẻ bị chân tay miệng thường chịu phải đau đớn đặc biệt là trong khoang miệng gây cản trở việc ăn uống, trẻ không nhai nuốt được. Trong trường hợp này để bé có năng lượng duy trì các hoạt động của cơ thể mẹ phải bổ sung tinh bột cho bé thông qua các món ăn mềm như cháo, súp,…
Mẹ có thể kết hợp nấu cháo cùng với thịt, rau củ quả để tăng thêm dinh dưỡng cho bé.
Thịt, cá, trứng: Đây là các loại thức phẩm chứa nhiều protein, sắt, vitamin và nhiều loại khoáng chất cần thiết cho cơ thể của trẻ.
Hoa quả mềm: Đu đủ, cam ngọt, dưa hấu, thanh long,… là những loại quả chứa nhiều vitamin A, C, D,… tăng cường miễn dịch giúp trẻ mau khỏi bệnh.
Sữa: Trong sữa cũng có nhiều loại protein, các nguyên tố đa lượng, vi lượng đồng thời bổ sung nước cho cơ thể.
Nước: Một trong những biến chứng thường gặp là trẻ bị mất nước. Để ngăn chặn tình trạng này trẻ nên được uống nước đầy đủ. Nước có thể được cung cấp thông qua việc uống nước, uống sữa,…
2. Bước 2: Giảm đau, hạ sốt
Khi trẻ bị sốt cao trên 38.5 độ C, cần hạ sốt cho trẻ bằng paracetamol liều 10 mg/kg/lần mỗi 6 giờ. Cha mẹ nên kết hợp sử dụng khăn mềm lau người cho trẻ bằng nước ấm.
Nếu bé sốt dưới 38.5 độ C, chỉ cần hạ sốt cho bé bằng cách chườm ấm. Khi trẻ bị loét miệng, trẻ đau và khó ăn uống, mẹ có thể sử dụng các thuốc xịt, thuốc bôi giảm đau như xịt miệng benzydamine, thuốc bôi zytee,… giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
3. Bước 3: Kiểm soát các vết tổn thương do tay chân miệng
Kiểm soát các vết loét miệng, phát ban, mụn nước theo nguyên tắc giữ vệ sinh khoang miệng sạch, cơ thể sạch sẽ bằng các loại dung dịch kháng khuẩn.
Với các vết thương ngoài da, mẹ nên sử dụng các dụng dịch kháng khuẩn lau rửa thường xuyên để tiêu diệt khuẩn và tránh bội nhiễm. Cho trẻ súc miệng thường xuyên bằng dung dịch kháng khuẩn Dizigone, dụng dịch PVP – Iod trong các trường hợp trẻ tự làm được.
Nếu trẻ nhỏ, mẹ nên giúp trẻ thực hiện công tác vệ sinh cá nhân và giúp trẻ bôi thuốc.
Kiểm soát bệnh của trẻ bằng cách không cho trẻ tiếp xúc với người khác cho tới khi khỏi bệnh. Cách ly trẻ với các nguồn lây nhiễm và giữ gìn không cho trẻ tiếp xúc và lây bệnh cho người khỏe mạnh.
4. Bước 4: Cho người bệnh nghỉ ngơi hợp lí, hạn chế vận động, đảm bảo sức khỏe cho trẻ tránh tiếp xúc đông người đề phòng lây nhiễm.
Trong quá trình điều trị cần phải theo dõi chặt chẽ các triệu chứng dấu hiệu sau: dễ giật mình, hoảng hốt, loạng choạng, co giật, nôn mửa nhiều, sun chi, sốt cao. Khi gặp các dấu hiệu trên có thể bệnh đã chuyển sang mức 2 cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
V. Những lưu ý khi điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà
- Bệnh nhi khi điều trị tại nhà cần cách ly tại phòng riêng, khi tiếp xúc với người khác phải đeo khẩu trang và không tiếp xúc trực tiếp.
- Chất thải của người bệnh như phân, nước tiểu, đờm, nước bọt,… phải được khử khuẩn bằng dung dịch cloramin B. Chăn màn, quần áo của bệnh nhân cũng phải được khử khuẩn bằng cách đun sôi hoặc ngâm với dung dịch cloramin B.
- Phải đảm bảo giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ đặc biệt là các vùng bọng nước như miệng, tay, chân.
- Có thể sử dụng dung dịch kháng khuẩn để súc miệng và lau rửa các vùng da bị bọng nước như dung dịch kháng khuẩn Dizigone.
- Người chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo găng tay y tế khi bôi thuốc và rửa tay với dung dịch sát khuẩn sau khi chăm sóc người bệnh. Tránh không tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với các dịch tiết và chất thải của bệnh nhân. Hạn chế ôm hôn, sử dụng chung vật dụng với trẻ bệnh.
- Khi chưa điều trị khỏi bệnh, người bệnh không được tham gia các hoạt động, gặp gỡ mọi người. Trẻ bị tay chân miệng không được đến trường, khu vui chơi.
- Các thành viên trong gia đình người bệnh đặc biệt là trẻ em nên chú ý các biểu hiện sốt, loét miệng đề phòng mắc bệnh.
VI. Cách phòng chống bệnh tay chân miệng
Nguyên tắc phòng bệnh
- Hiện nay trên thị trường chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng.
- Chủ yếu là áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với nguồn lây.
Phòng bệnh chung
Tay chân miệng là một bệnh lây nhiễm trực tiếp và rất dễ bùng phát trong cộng đồng, nên các biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng là vô cùng cần thiết.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên nhất là trước khi ăn, sau khi tiếp xúc với các dịch tiết, nước bọt, sau khi đi vệ sinh. Khuyến khích rửa tay theo 6 bước của bộ y tế.
- Hạn chế tiếp xúc, không ăn chung, uống chung, sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt với người bệnh.
- Khi phát hiện một người bị bệnh tay chân miệng, cần cách ly riêng người bệnh, tránh lây nhiễm ra cộng đồng
- Người bệnh không được đến những nơi tập chung đông người. Trẻ bị bệnh không được đến trường. Khi lớp học có từ 2 học sinh bị bệnh trở nên trong cùng một lớp phải kiến nghị cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ khi xuất hiện ca bệnh cuối cùng.
- Khử khuẩn các bề mặt, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình, lau sàn nhà thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Các cơ sở y tế nên tổ chức tuyên truyền, cung cấp các thông tin về bệnh tay chân miệng, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh đến cộng đồng đặc biệt là trong các trường mầm non, mẫu giáo. Nhấn mạnh việc ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh,…
>>> Xem bài viết: Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Cần làm gì để phòng tránh?
Bài biết trên đây đã cung cấp những thông tin cần thiết giúp mẹ biết cách điều trị bệnh tay chân miệng an toàn hiệu quả. Nếu bạn còn gì thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi theo số HOTLINE: 1900 9482 để được giải đáp cụ thể. Cảm ơn bạn đã theo dõi!
Theo viendalieu.com.vn tổng hợp.