Lở loét da nhỏ ở người khoẻ mạnh thì không phải vấn đề quá nghiêm trọng, nhưng ở người khó vận động, ít di chuyển thì tốc độ phục hồi sẽ lâu hơn, một vết loét nhỏ cũng có thể mất vài tuần đến vài tháng để lành lại. Và để hồi phục, chế độ ăn uống đóng vai trò cực kì quan trọng. Việc chú ý đúng mức tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng sẽ giúp ích nhiều cho người bệnh trong quá trình hồi phục.
Mục lục
I. Bị lở loét da nên kiêng ăn gì?
1. Chất béo xấu tăng nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử vết loét
Các chất béo xấu trong thức ăn (bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa)… có thể khiến vết loét dễ nhiễm trùng và tăng nguy cơ bị hoại tử.
Chất béo bão hòa thường có ở thức ăn nguồn gốc động vật như:
- Thịt bò, mỡ bò, thịt lợn mỡ, thịt cừu, thịt gia cầm béo như thịt vịt, ngỗng béo
- Bơ, kem, pho mát, các sản phẩm chế biến từ sữa nguyên béo…
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Chất béo bão hòa cũng có trong một số thực vật như dừa, sữa dừa, dầu dừa, dầu cọ, bơ thực vật, cacao và các loại cây dầu.
Chất béo chuyển hóa là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn như quá trình chiên, rán, xào, margarine…; nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn, bắt mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Chất béo chuyển hóa thường có trong các loại thực phẩm chế biến sẵn như:
Thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa
- Bánh cookies,
- Mì ăn liền (loại có chiên tẩm),
- Các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng sẵn có chiên rán như khoai tây chiên, quẩy nóng, gà rán, thịt rán…
Chất béo chuyển hóa cũng tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như thịt lợn, bò… nhưng với hàm lượng thấp hơn so với thực phẩm trong ngành công nghiệp bánh ngọt và đồ ăn nhẹ.
2. Thực phẩm cay nóng
Thực phẩm cay nóng gây kích ứng, dễ gây lở loét, nóng rát khi ăn nhiều
Thực phẩm cay nóng gây kích ứng, dễ gây lở loét, nóng rát khi ăn nhiều, đặc biệt khi vết loét đã có sẵn. Khi bị loét và sử dụng các sản phẩm này, cảm giác ngứa ngáy sẽ tăng mạnh và thường xuyên.
Da cũng dễ bị kích ứng hơn khi bạn vô tình dùng tay đã dính ớt quẹt vào mắt hay vùng da đang bị lở loét.
Để bảo vệ vết loét mau lành, bạn nên lưu ý những điều sau đây khi ăn các thực phẩm cay nóng:
- Nên chế biến ớt ở mức độ tối thiểu để đảm bảo độ ngon mà không ảnh hưởng tới vết loét.
- Tối đa chỉ ăn 1 quả ớt nhỏ/1 ngày
- Nấu chín ớt trước khi ăn
- Nên ăn món cay khi đã nguội, hạn chế ăn đồ cay nóng.
- Giải nhiệt cơ thể sau khi ăn cay bằng cách uống sữa tươi, sữa chua, trà giải nhiệt, trả thảo dược, ăn trái cây…
3. Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá
Rượu bia có thể phá hủy tế bào bạch cầu mà cơ thể tạo ra để chống lại bệnh tật, phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, rượu bia là chất kích thích, sẽ làm cản trở lưu thông máu và làm chậm quá trình lành thương tự nhiên của cơ thể.
Hút thuốc làm hại các mạch máu, cản trở quá trình tái tạo da mới tại vết loét, làm chậm quá trình chữa lành của vết loét. Khói thuốc lá có chứa nicotin làm tăng nhịp tim và co dãn mạch, dẫn đến tăng huyết áp gây nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch, nó cũng làm tăng tình trạng viêm trong động mạch và làm cho tiểu cầu trong máu đông lại (cục máu đông) dễ dàng hơn, gây tắc nghẽn mạch máu.
Hút thuốc cản trở quá trình tái tạo da mới tại vết loét
4. Kiêng ăn thịt gà và đồ nếp như xôi, bánh chưng
Không nên ăn thịt gà và đồ nếp như xôi, bánh chưng… vì những thực phẩm này có thể gây mưng mủ. Khi ăn nhiều thịt gà hay đồ nếp, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Không chỉ vậy, khi vết loét phục hồi còn có nguy cơ để lại sẹo lồi. Vì vậy, người bị loét da cần đặc biệt tránh thịt gà và đồ nếp khi vết loét đang trong thời kì mọc da non.
Thịt gà, xôi nếp có thể gây mưng mủ cho vết loét
Không ăn rau muống khi đang có vết loét hở vì có thể gây sẹo lồi, là một dạng tổn thương vĩnh viễn trên da.
Thịt bò nên hạn chế vì có thể để lại các vết sẹo thâm khi vết loét phục hồi. Thịt bò nhiều protein, nhưng làm cho da bị thâm lại. Do đó khi vết loét đang lành, nếu lỡ miệng ăn kha khá thịt bò rồi, thì cách duy nhất là dừng lại trong khoảng 1 tháng sau đó, để bạn có thời gian thăng bằng trở lại.
Hải sản nhiều dinh dưỡng nhưng cũng nên hạn chế. Lí do vì đây là thực phẩm tanh và có thể gây dị ứng với người có vết loét hở.
5. Thực phẩm chứa nhiều đường
Đường là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm kéo dài tình trạng viêm loét. Vì vậy, bạn nên cố gắng hạn chế ăn đồ ngọt để vết loét được mau lành.
➤ Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc da bị lở loét đúng cách
II. Nên ăn gì để nhanh lành vết loét?
1. Vitamin C tăng sức đề kháng của cơ thể, chống viêm và tăng khả năng hấp thụ sắt
Vitamin C hỗ trợ chức năng các tế bào miễn dịch
Vitamin C hỗ trợ chức năng các tế bào miễn dịch. Sự có mặt của vitamin C trong các tế bào thực bào như bạch cầu trung tính làm tăng khả năng thực bào, tạo ra các loại oxy phản ứng, tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Vitamin C còn là một chất chống oxy hoá, hỗ trợ hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh.
Vitamin C được chứng minh là tăng khả năng hấp thu sắt cho cơ thể. Vitamin C tác động lên sắt không Heme, dự trữ và chuyển dạng để cơ thể dễ hấp thu. Theo nghiên cứu, nếu bổ sung 100mg vitamin C trong bữa ăn thì có thể tăng hấp thu sắt lên 67%. Sắt sau khi được hấp thu sẽ gắn với Hemoglobin – một loại protein có mặt trên hồng cầu giúp vận chuyển oxy tới mọi cơ quan trong cơ thể. Sắt còn có mặt trong Myoglobin – một loại protein dự trữ oxy rất cần thiết cho hoạt động của cơ bắp.
Bổ sung vitamin C từ chế độ ăn uống giúp cơ thể tái tạo tế bào bị thương, loét, nhiễm trùng. Nhờ công dụng chống oxy hoá và chống viêm, vitamin C giúp vết loét phục hồi nhanh hơn.
Trong thực phẩm hàng ngày, vitamin C có nhiều trong quả ổi, ớt chuông, súp lơ, rau cải xanh, dâu tây, cam, kiwi và nhiều loại quả chua khác.
2. Omega 3, kẽm giảm viêm
Omega 3 giúp giảm viêm, tăng khả năng miễn dịch, dưỡng ẩm và tăng sinh cho da
Omega 3 là một axit béo không no thiết yếu cho cơ thể. Omega 3 gồm 3 loại chủ yếu là EPA, DHA, DPA, ngăn ngừa các mảng xơ vữa trong động mạch, cải thiện giấc ngủ, kiểm soát độ ẩm và lượng dầu của da, ngăn ngừa tăng lớp sừng của nang nông.
Kẽm giúp tăng sản sinh tế bào, tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình tổng hợp axit nucleic, protein. Kẽm được phân bổ trong da, tóc, móng, tăng khả năng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn.
Kẽm có nhiều trong thực phẩm từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm thịt cá, …
Sau khi bị thương, phản ứng đầu tiên của cơ thể là viêm. Omega 3 và kẽm đều giảm viêm, tăng khả năng miễn dịch, dưỡng ẩm và tăng sinh cho da, nên không thể thiếu trong thành phần dinh dưỡng đẩy nhanh tốc độ lành vết loét.
Kẽm và omega 3 được bổ sung qua các thực phẩm từ động vật như cua bể, thịt bò, tôm cá và các loại hạt chia, hạt lanh, dầu oliu, dầu đậu nành.
3. Protein bảo vệ cơ thể, vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng, cân bằng năng lượng cơ thể
Protein là thành phần chính của các tế bào bạch cầu
Protein là thành phần chính của các tế bào bạch cầu, chính là hệ miễn dịch của cơ thể. Protein còn tham gia vận chuyển oxy, các chất dinh dưỡng, hấp thu từ quá trình tiêu quá vào máu, tới các mô và tế bào. Chế độ ăn giàu protein giúp hệ miễn dịch của bạn khoẻ mạnh hơn, giảm viêm và hạn chế nhiễm trùng lan rộng ra các vùng xung quanh vết loét.
4. Chất béo tốt
Ngược lại với nhóm chất béo xấu, những chất béo tốt cung cấp nguyên liệu cho quá trình tái tạo lại các mô bị tổn thương và hỗ trợ chống viêm. Vì vậy, nếu bàn chân đang có vết loét, bạn nên lựa chọn các thực phẩm có chất béo lành mạnh thay vì nhóm chất béo có hại.
Chất béo tốt là nhóm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Các chất này thấy nhiều trong cá, hạt, củ và dầu thực vật. Các thực phẩm chứa nhiều loại này là: cá hồi, quả bơ, quả ô liu, các dầu ăn từ hướng dương, dầu đậu nành, dầu ngô…
Chất béo tốt giúp tái tạo lại các mô bị tổn thương và hỗ trợ chống viêm
Ngoài ra, bạn cũng cần khống chế lượng chất béo hàng ngày, khoảng 1 – 2 thìa cà phê dầu để chế biến món ăn là đủ.
Vết loét khiến nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể thay đổi. Cơ thể cần nhiều chất hơn để phục vụ quá trình sửa chữa và chống lại sự tấn công của vi khuẩn bên ngoài. Một số chất lại cần tránh vì những tác dụng khiến vết loét dễ mưng mủ và khó lành, hoặc có thể gây ngứa ngáy khó chịu. Như vậy, để vết loét mau lành, người bệnh cần tránh tuyệt đối 5 nhóm thực phẩm trên, kết hợp với việc chăm sóc vết loét hợp lý.
III. Một số lưu ý để vết lở loét nhanh lành
- Khi bị loét da bệnh nhân không nên vận động quá mạnh có thể gây rách miệng vết thương, khiến cho vết loét nặng hơn và lâu lành.
- Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nguy cơ nhiễm khuẩn do nước không sạch là rất cao, dễ khiến vết loét ngày càng thêm nặng. Vì vậy, khi tắm, cần che vết loét cẩn thận, tránh để vết loét bị ngâm nước.
- Không dùng thuốc kháng sinh rắc trực tiếp lên vết loét vì có thể làm vết thương bị bưng kín, ngăn cản dung dịch sát trùng tiếp cận ổ tổn thương để diệt vi khuẩn khiến vết thương bị nhiễm trùng.
- Không nên tự mua hoặc tự điều chế các loại thuốc dân gian lên vết loét. Những loại thuốc này nếu không rõ nguồn gốc và tác dụng có thể gây viêm và nhiễm trùng cho vết loét, từ đó khiến vết loét nặng hơn và khó kiểm soát hơn
- Không dùng bàn tay chưa được vệ sinh sạch sẽ để đụng vào vết loét vì vi khuẩn có thể từ đó xâm nhập vào vết thương.
- Khi vết loét bắt đầu đóng vảy, không nên bóc lớp vảy này vì có thể khiển vết loét chảy máu, lâu lành và để lại sẹo.
Bài viết cung cấp thông tin về cách xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho người bị loét da. Để được tư vấn và giải đáp thắc mắc thêm về bệnh, vui lòng liên hệ HOTLINE 19009482.
Vết loét tỳ đè hồi phục nhanh chóng sau khi chăm sóc dưới sự tư vấn của chuyên gia Viên da liễu
➤ Xem thêm: Bị loét da bôi thuốc gì nhanh khỏi?
Theo Viendalieu.com.vn tổng hợp